Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp sản xuất giấy vẫn đang bị lệ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu (NK). Trong tổng số các nguồn nguyên liệu sản xuất giấy, có tới 70% là từ giấy loại, gần 50% số nguyên liệu này phải NK trực tiếp từ nước ngoài, 50% còn lại từ thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng của những đơn vị thu gom nhỏ, lẻ.
Báo cáo của VPPA cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, ngành giấy đã NK 465.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng giấy NK lớn chủ yếu làm nguyên liệu cung ứng cho các DN sản xuất bao bì cao cấp và giấy phục vụ thị trường trong nước. Phần lớn nguyên liệu giấy được nhập từ Indonesia, Malaysia và một số nước châu Âu. NK bột giấy từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ nhỏ, tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng giấy nguyên liệu và thành phẩm của Trung Quốc rất lớn, trong khi nước này đóng cửa hàng loạt nhà máy giấy khiến nguồn cung thiếu hụt dẫn đến biến động thị trường chung, đẩy giá giấy leo thang. Cụ thể, đầu tháng 5, giá giấy in báo dao động ở mức 17,5 -18,5 triệu đồng/tấn, tăng 1,5-2,5 triệu đồng/tấn; giấy viết khoảng 32,5 - 24 triệu đồng/tấn, tăng 4-4,5 triệu đồng/tấn so với thời điểm tháng 12/2017.
Đại diện các DN sản xuất bao bì cho biết: Tình trạng khan hiếm và giá giấy tăng cao khiến họ gặp khó khăn. Có loại đã tăng đến 50%, nhưng các DN vẫn phải cố gắng sản xuất, giao hàng đúng cam kết với đối tác để giữ mối quan hệ.
Giải pháp đặt ra hiện nay là ngành giấy cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư, sản xuất; xây dựng được vùng nguyên liệu nhằm chủ động cung cấp đủ, ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất bột giấy theo quy hoạch phát triển ngành. Ông Trần Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Tân Mai - cho rằng, nỗ lực nội địa hóa giúp DN nội cạnh tranh với các DN nước ngoài tại thị trường nội địa.
Theo VPPA, để phát triển vùng nguyên liệu gỗ, phát triển sản xuất, đòi hỏi sự hỗ trợ, đồng hành từ chính sách để trồng rừng và phát triển công nghệ trong sản xuất bảo đảm cung ứng sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần sự hợp tác giữa người dân với DN, và giữa các DN trong ngành với nhau.
Ngoài ra, nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi trong việc tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng bộ, đào tạo, nghiên cứu thị trường, thuế… và tạo điều kiện vay vốn tín dụng để phát triển các vùng nguyên liệu giấy.
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025 đặt ra các mục tiêu: Tỷ lệ thu hồi giấy các loại trong nước đạt 65%; đáp ứng khoảng 75 - 80% nhu cầu tiêu dùng trong nước, giảm tỷ lệ NK; không cấp phép và dần loại bỏ các nhà máy giấy và bột giấy lạc hậu đang tồn tại với quy mô dưới 10.000 tấn/năm. |