Ngành da giày hưởng lợi, chịu tác động gì từ Hiệp định AANZFTA?
Ngày 10/6, Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Chương trình Thương mại Khu vực vì Phát triển (RT4D) tổ chức Hội nghị kỷ niệm hành trình 15 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), giới thiệu bản nâng cấp của Hiệp định, cũng như đánh giá những tác động và tiềm năng của Hiệp định AANZFTA nâng cấp.
Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cùng đại diện đến từ các cơ quan, Bộ, ngành của Chính phủ Việt Nam, các đại diện tại Việt Nam của các Ủy ban trong ASEAN và các Ủy ban trực thuộc AANZFTA, Đại sứ quán Australia và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các học giả và nhà kinh tế học.
Trong khuôn khổ Hội nghị, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đã trao đổi về thực trạng xuất nhập khẩu các mặt hàng giày dép, túi xách với thị trường Australia, New Zealand và những thuận lợi, khó khăn trong việc tận dụng Hiệp định AANZFTA.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái giới thiệu bản nâng cấp của Hiệp định AANZFTA |
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu.
Năm 2023 ngành da giày chịu ảnh hưởng tác động lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp đối mặt với thách thức như đơn hàng bị cắt giảm, chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến phải thu hẹp sản xuất và giảm giờ làm.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong năm ngoái đạt khoảng 24 tỷ USD, giảm gần 4 tỷ USD so với năm 2022. Từ cuối năm ngoái và quý đầu năm nay, tình hình đơn hàng đã dần hồi phục, dù chưa về như thời điểm trước 2023.
Về thị trường xuất khẩu, 5 thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ngoài ra, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn trong việc tận dụng Hiệp định AANZFTA bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, Việt Nam có cơ hội như: chuỗi cung ứng sâu; vị thế kinh tế, chính trị của Việt Nam; các hiệp định thương mại tự do; chất lượng lao động.
Nhận định về cơ hội thị trường giày dép toàn cầu, Phó Chủ tịch Lefaso cho rằng, thị trường giày dép toàn cầu có dấu hiệu ấm lên vào cuối năm 2023; người tiêu dùng trên thế giới ngày càng ưa chuộng giày dép “Made in Vietnam”; ngành da giày Việt Nam hưởng lợi từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các thương hiệu giày dép lớn trên thế giới.
Trong khi đó, về thách thức của chuỗi cung ứng giày dép, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, ngành giày dép đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Tác động của vật liệu bền vững và môi trường; tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng; động lực và quy định thương mại toàn cầu; chi phí tăng và áp lực ký quỹ; mô hình trực tiếp đến người tiêu dùng; bán lẻ đa kênh; sáng kiến kinh tế tuần hoàn; sở thích của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng; số hóa và tự động hóa.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định AANZFTA được ký kết ngày 27/2/2009, có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 được đánh giá là Hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất trong số các Hiệp định giữa ASEAN với các nước đối tác.
Sau gần 15 năm có hiệu lực, Hiệp định AANZFTA đã có những tác động tích cực đến hợp tác kinh tế - thương mại trong khu vực.
Theo số liệu của Ban Thư ký ASEAN, kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - Australia đã tăng từ 44 tỷ USD năm 2009 (thời điểm trước khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực) lên đến 94,7 tỷ USD năm 2023. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, kim ngạch thương mại hai chiều giữa New Zealand và ASEAN đã tăng gấp đôi (hơn 11 tỷ USD) so với thời điểm Hiệp định đi vào thực thi.
Bên cạnh đó, Hiệp định AANZFTA góp phần củng cố chuỗi cung ứng, nâng cao sức cạnh tranh của khu vực AANZFTA trong thu hút hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như sức chống chịu của khu vực trước những diễn biến bất lợi trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay, Nghị định thư thứ 2 sửa đổi Hiệp định AANZFTA sẽ bổ sung, nâng cấp 12 Chương gồm: Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Thủ tục đánh giá sự phù hợp; Thương mại dịch vụ (bao gồm cả phụ lục dịch vụ tài chính và dịch vụ viễn thông); Di chuyển thể nhân; Thương mại điện tử; Đầu tư; Thương mại và Phát triển bền vững; Cạnh tranh; Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Mua sắm chính phủ.
Trong đó, đáng chú ý, Chương Thương mại Hàng hóa sẽ có 20 điều khoản được nâng cấp; Nâng cấp/bổ sung các điều khoản liên quan nhằm xử lý các biện pháp phi thuế quan (NTM); Tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại; Tăng cường chuỗi cung ứng khu vực.
Chương Quy tắc xuất xứ hàng hóa có 17 điều khoản được sửa đổi, nâng cấp; liên quan tới tạo thuận lợi hơn ở các quy định: Thời gian cấp C/O; Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp C/O thay thế trong trường hợp lỗi; Hưởng ưu đãi thuế và hoàn thuế...
Chương Thủ tục hải quan và Thuận lợi hóa thương mại nâng cấp các điều khoản về: Quy định về thời gian giải phóng hàng chuyển phát nhanh; Quy định cho phép nộp chứng từ và dữ liệu hải quan bằng phương thức điện tử trước khi hàng đến; Cho phép thương nhận nộp các bản sao điện tử các chứng từ theo quy định trên hệ thống một cửa...