Thứ hai 23/12/2024 10:11

Ngành Công Thương tiếp tục đổi mới, tiến tới thành công

Trong bức tranh chung của kinh tế Việt Nam, dấu ấn ngành Công Thương hiện lên đậm nét với xuất nhập khẩu lập kỷ lục, công nghiệp tiếp tục tăng tốc.

Vượt lên bộn bề thách thức, nền kinh tế nước ta trong năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Trong bức tranh chung của kinh tế Việt Nam, dấu ấn ngành Công Thương hiện lên đậm nét với xuất nhập khẩu lập kỷ lục, công nghiệp tiếp tục tăng tốc, công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường được đẩy mạnh, quản lý thị trường tập trung vào nhiều điểm nóng, cải cách hành chính góp phần tạo môi trường kinh doanh hiệu quả… Những yếu tố này đã mở ra nhiều triển vọng tăng tốc cho năm 2023.

Trước thềm Xuân mới Quý Mão, Báo Công Thương có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về những kết quả năm 2022 và nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho năm 2023.

Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục trong 20 năm trở lại đây

Trong lĩnh vực thương mại, năm 2022 chúng ta nhắc nhiều đến sự tăng trưởng ngoạn mục của xuất nhập khẩu. Đáng chú ý, trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về quy mô và tốc độ. Các mốc 100 tỷ USD được chinh phục ngày càng nhanh hơn và năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục đạt kỷ lục mới. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về con số kỷ lục của lĩnh vực này?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt kỷ lục mới với tổng kim ngạch cả năm ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây; trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%); nhập khẩu tăng 8,4% và cơ bản được kiểm soát tốt.

Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa

Có thể nói, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, có hiệu quả của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ, liên tiếp đạt các mốc kỷ lục. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002-2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 10 năm (từ 2012 đến 2021), tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần kim ngạch của 10 năm về trước cộng lại.

Nếu như năm 2001 ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD thì sau 6 năm, đến năm 2007, số này đã đạt100 tỷ USD. Sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới, cột mốc 500 tỷ USD được ghi nhận vào giữa tháng 12/2019 và con số 600 tỷ USD đạt được vào ngày 30/11/2021.

Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới về xuất khẩu và thứ 20 về nhập khẩu. Trong ASEAN, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đều đứng vị trí thứ 2 (chỉ sau Singapore).

Song song với con số xuất nhập khẩu, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam liên tục đạt xuất siêu sau một thời gian dài nhập siêu. Từ năm 2011 trở về trước, nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, trong đó đạt đỉnh 18,02 tỷ USD năm 2008. Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta đã đổi chiều, chuyển sang thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta đã đạt kỷ lục với con số thặng dư lên tới 19,94 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận đối với hoạt động ngoại thương, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp và chuỗi cung ứng nhiều thời điểm bị đứt gãy do diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới.

Bộ Công Thương chủ động đi trước để thực hiện Nghị quyết của Đảng về công nghiệp hóa

Sản xuất công nghiệp đã không chỉ duy trì tốt đà phục hồi mà ngày càng đi vào chiều sâu ở những lĩnh vực, mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Song, để xây dựng được một nền công nghiệp tự chủ và nâng cao vai trò của các doanh nghiệp nội địa thích ứng với những biến động khó lường có thể diễn ra, và đảm bảo tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Công Thương đã có những “kịch bản” chiến lược, chính sách đột phát cụ thể nào để duy trì đà tăng trưởng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:

Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song sản xuất công nghiệp đã phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8-9%; cao hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng 4,8% của cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%, đóng góp 2,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP và tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Các ngành điện, dầu khí và than cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực khôi phục và phát triển kinh tế.

Phải khẳng định rằng, đất nước mà không có công nghiệp nền tảng thì không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không thể có kinh tế độc lập tự chủ. Trong 2 năm qua, cùng với các bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương đã rất chủ động, trách nhiệm để có được Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, Bộ Công Thương đang được các cơ quan có thẩm quyền giao xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, trong đó nội dung cốt lõi là phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng. Hy vọng thời gian tới, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) và việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp cũng như các chính sách thu hút đầu tư thì công nghiệp cơ khí nói riêng và các ngành công nghiệp nền tảng nói chung sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Về lâu dài, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ, đủ mạnh và khả thi nhằm thúc đẩy phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, nền tảng, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, vùng miền (khai thác, chế biến dầu khí; cơ khí, chế tạo, chế biến; điện tử, viễn thông; hóa chất và năng lượng) nhằm nâng cao tính chủ động trong sản xuất và giá trị quốc gia trong sản phẩm; đồng thời, chú trọng ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; phát triển nhanh hơn một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính “dẫn đường” như: chất bán dẫn, công nghiệp sản xuất rô-bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, sản xuất phần mềm, sản phẩm số, vật liệu mới và các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước tạo dựng mạng lưới vệ tinh cung cấp linh kiện phục vụ các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam và khu vực; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh chuyển đổi số, vươn lên, đủ khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ hiệnđại và kỹ năng quản trị tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tính độc lập, tự chủ của nền công nghiệp quốc gia cũng như toàn bộ nền kinh tế đất nước.

Lực lượng quản lý thị trường chuyển biến mạnh mẽ trong điều hành, phối hợp

Năm 2022, lãnh đạo Bộ Công Thương và trực tiếp là Bộ trưởng đã có nhiều cuộc làm việc với lực lượng quản lý thị trường (QLTT). Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Bộ tới một trong những lĩnh vực trọng yếu của ngành. Với phương châm gợi mở cho lực lượng QLTT trong các buổi làm việc: “Hành động quyết liệt, Siết chặt kỷ cương, Lãnh đạo nêu gương, Phối hợp muôn phương, Hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về lực lượng QLTT trong năm 2022?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:

Từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc, sau 4 năm, Tổng cục QLTT cũng như lực lượng QLTT cả nước đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp lực lượng, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, điều kiện làm việc. Lực lượng đã tiến công vào những “điểm nóng”, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả,hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được. Số lượng các vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có tổ chức, quy mô lớn, liên địa bàn được phát hiện, xử lý vượt trội so với những năm trước, nhiều vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động thương mại có ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, người dân và doanh nghiệp đã được kịp thời dự báo, phát hiện và phản ứng hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường

Theo báo cáo, năm 2022, lực lượng QLTT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 70.902 vụ, phát hiện, xử lý 43.964 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.

Năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã liên tiếp phát hiện, “truy quét”, “xóa sổ” nhiều tụ điểm kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Điển hình như vụ đồng loạt kiểm tra 3 tổng kho, cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; vụ triệt phá cơ sở kinh doanh có 4 kho hàng chứa nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu tại Sầm Sơn (Thanh Hóa); vụ bắt giữ lô hàng mỹ phẩm nhập lậu và thuốc trị giá gần 20 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh... Hay mới đây nhất, đầu tháng 11/2022, lực lượng QLTT đã liên tiếp kiểm tra “thiên đường” mua sắm Sài Gòn Square tại TP. Hồ Chí Minh và phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT đã thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất, trong đó có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần giữ ổn định thị trường.

Phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong điều hành mặt hàng xăng dầu và đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá hàng thiết yếu

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanhthu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng rất mạnh trong năm 2022. Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu là một trong những điểm sáng của ngành Công Thương trong năm 2022. Xin Bộ trưởng chia sẻ một số giải pháp để đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước (cao gấp 2,5 lần mục tiêu kế hoạch đề ra), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%). Đây là mức tăng rất cao, thể hiện sức mua của thị trường trong nước đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau khi nước ta đã cơ bản khống chế được đại dịch Covid-19.

Lế ký Tuyên bố chung giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan về hợp tác giảm phát thải trong sản xuất và tiêu dùng

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân; thị trường tương đối bình ổn, giá hàng hóa không có biến động lớn; lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, trước tình hình nguồn cung và giá cả xăng dầu thế giới biến động nhanh, phức tạp và dị biệt, tác động bất lợi đến thị trường xăng dầu trong nước, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp về: Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định của Nhà nước và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đơn cử, ngay từ tháng 1/2022, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, bám sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và trong nước để kịp thời nhận định, đánh giá tình hình và dự báo trước những khó khăn có thể gặp phải trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động để chuẩn bị sẵn kịch bản điều hành thị trường xăng dầu; đồng thời có văn bản báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Tháng 2/2022, trước tình hình sản xuất xăng dầu trong nước có những bất ổn, Bộ Công Thương đã chủ động chỉ đạo đánh giá khả năng nguồn cung và kịp thời phân giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu trong quý II/2022 cho các thương nhân đầu mối.

Tháng 10/2022, Bộ tiếp tục làm việc với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối để rà soát, phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu trong quý IV/2022 cho các doanh nghiệp đầu mối để kịp thời bù đắp cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị thiếu hụt, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống. Đồng thời, chỉ đạo các nhà máy lọc dầu: Nghi Sơn, Bình Sơn tăng công suất tối đa và điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp để tăng lượng sản xuất xăng cung ứng cho thị trường trong nước. Yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Đề xuất miễn, giảm một số loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu; rà soát, điều chỉnh các chi phí, đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người dân; kiến nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu về tín dụng, nguồn ngoại tệ, thủ tục hải quan và hỗ trợ công tác lưu thông, vận chuyển xăng dầu trong giờ cao điểm…

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nên nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn cơ bản được đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước. Giá xăng dầu Việt Nam giữ ổn định, thấp thứ 29 trên thế giới, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Bộ Công Thương đang nhanh chóng, gấp rút lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 và 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của thị trường xăng dầu trong nước.

Vào Top 5 thế giới về tăng trưởng, thương mại điện tử ghi dấu ấn đặc biệt

Một dấu ấn không thể không nhắc đến trong năm vừa qua là thương mại điện tử nước ta đã xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Dấu ấn này không thể thiếu vai trò của Bộ Công Thương trong việc xây dựng chính sách và triển khai các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Bộ trưởng nhận định ra sao về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:

Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, TMĐT tiếp tục là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, Bộ Công Thương đã tăng cường công tác giám sát, quản lý và điều tiết hoạt động của các nền tảng TMĐT; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh, hướng tới xây dựng môi trường TMĐT phát triển bền vững cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Từ góc độ hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng TMĐT, Bộ đã chủ động, tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng côngmnghệ trong xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nhà vườn xây dựng các gian hàng và thực hiện hoạt động mua bán qua các sàn TMĐT, hình thành phương thức kinh doanh mới. Đây là một trong những giải pháp được đánh giá là mang lại hiệu quả cao, giúp doanh nghiệp, người sản xuất tìm kiếm, phát triển thị trường, đa dạng các kênh phân phối sản phẩm.

Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối TMĐT nổi bật như: Hội nghị kết nối TMĐT tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Hội nghị TMĐT OCOP tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hội nghị kết nối cung cầu và TMĐT tại Thái Bình, Hội nghị kết nối TMĐT và định hướng tiêu dùng tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long... Các chương trình kết nối này đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên TMĐT và góp phần tạo thói quen mua sắm qua TMĐT đối với người tiêu dùng. Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới với các đối tác là sàn TMĐT quốc tế lớn như Amazon, Alibaba để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam sẽ có thể xuất khẩu trực tiếp đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới theo các kênh TMĐT B2B, B2B2C.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung xây dựng các nền tảng số, giúp doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam và cấp đăng ký cho nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, góp phần thúc đẩy TMĐT phát triển, trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.

Động lực cho mục tiêu năm 2023

Một mùa Xuân mới lại đang về trênquê hương, đất nước Việt Nam với biết bao kỳ vọng, trước thềm năm mới Quý Mão 2023, Bộ trưởng cónhững chia sẻ gì về nhiệm vụ của ngành Công Thương trong năm 2023 để tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp với tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thăm gian hàng của Tập đoàn Nhựa Bình Thuận tại Diễn đàn Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2022

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:

Chúng ta không được tự mãn với kết quả đã đạt được mà phải luôn xem đó là động lực phấn đấu để đạt được những thành tựu cao hơn nữa trong thời gian tới. Năm 2023, ngành Công Thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8-9 % so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8-9%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 8-9,7%; điện thương phẩm tăng 7,4 -9,1%.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế thời gian qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 được giao, Bộ Công Thương xác định chú trọng thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

1. Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; trong đó, chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên luôn quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

2. Chú trọng nâng cao chất lượng và tính chủ động trong tham mưu, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2023 và các dự án sửa đổi, bổ sung các luật, các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành; đồng thời, tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những quy định, chính sách có tính đột phá để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư phát triển ngành.

3. Tập trung tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khẩn trương xây dựng Luật phát triển công nghiệp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, góp phần nâng cao năng lực tự chủ của nền công nghiệp quốc gia.

Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

4. Chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới; đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước, góp phần hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng.

5. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

.
Bài viết cùng chủ đề: Ngành Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh tặng quà nhân ngày 22/12

Bộ Y tế thông tin về loại sữa nhiễm chất tẩy rửa ở Hàn Quốc

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Hải quân Việt Nam và Campuchia tuần tra chung lần thứ 77

Hơn 260.000 lượt khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Áp thấp nhiệt đới hướng về quần đảo Trường Sa, miền Trung mưa lớn

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Cải tiến quá trình sản xuất - yếu tố ''sống còn'' với cộng đồng doanh nghiệp