Cháy nổ vẫn phức tạp
Mặc dù các quy định của pháp luật đã khá đầy đủ, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhưng hàng năm cả nước vẫn có hàng nghìn vụ cháy xảy ra, trong đó có không ít các kho xưởng sản xuất, hàng hoá của doanh nghiệp, gây thiệt hại cả người và tài sản.
Theo thống kê của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong 10 tháng năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.15 vụ cháy, làm chết 72 người, bị thương 106 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 343 tỷ đồng và 3,626 ha rừng; xảy ra 18 vụ nổ, làm 10 người chết và 10 người bị thương.
Trong số các vụ cháy, tỷ lệ vụ cháy trong khu vực cơ sở sản xuất, kho tàng, chợ chỉ đứng sau số vụ cháy trong dân cư. Điều này cho thấy, công tác PCCC ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn nhiều tồn tại, đặc biệt những nguyên vật liệu sản xuất cho công nghiệp có nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Thống kê cho thấy, hầu hết các vụ cháy nổ đã để lại những hậu quả to lớn, không chỉ về người và tài sản cho doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của công nhân, người dân mà còn gây ô nhiễm môi trường xã hội. Điển hình như vụ cháy nổ tại Công ty Rạng Đông tại Thanh Xuân (Hà Nội), vụ cháy kho hàng của công ty Nhật Bản tại KCN Hòa Cầm (Q.Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), vụ cháy tại kho chứa dầu ở TP.HCM…
Nguyên nhân được các cơ quan chức năng chỉ ra là do sự cố hệ thống, thiết bị điện; sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm quy định an toàn PCCC và các nguyên nhân khác.
Xác định “giặc lửa” rất nguy hiểm, gây ra hậu quả nặng nề cho nền kinh tế - xã hội, vì vậy, trong những năm qua, ngoài Luật PC&CC, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều Chỉ thị nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công tác PCCC. Đơn cử như Chỉ thị số 47-CT/TW (Chỉ thị số 47) của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Kết luận 02-KL/TW (Kết luận 02) ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW (Chỉ thị số 47); Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1492/QĐ-TTg (Quyết định số 1492) ngày 10/9/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 02 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Các Bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình cũng đã tích cực vào cuộc nhằm triển khai kế hoạch của Chính phủ.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp |
Nhiều giải pháp cụ thể
Là một ngành quản lý các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy bằng nhiều giải pháp cụ thể từ việc xây dựng chương trình kế hoạch về PCCC, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm…
Đặc biệt, nhằm triển khai có hiệu quả công tác PCCC, ngày 17/08/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 09/CT-BCT ngày 17/08/2021 của về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy ngành Công Thương; Tháng 11/2021, Bộ Công Thương tiếp tục có Quyết định số 2603/QĐ-BCT về Kế hoạch thực hiện công tác PCCC&CNCH.
Trên cơ sở Chỉ thị, kế hoạch của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố đã có văn bản đề nghị các cấp chính quyền địa phương, các cơ sở kinh doanh thương mại (chợ, trung tâm thương mại, siêu thị), cơ sở sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC; Đôn đốc, nhắc nhở chủ doanh nghiệp đặc biệt tại các hộ gia đình kết hợp giữa nhà ở và sản xuất, kinh doanh và người lao động trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về PCCC; Kiểm tra an toàn mạng lưới điện tại các khu dân cư, cụm dân cư, những sai phạm trong câu, mắc, đấu nối, sử dụng điện tại các hộ gia đình, nhà ở; Tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, hóa chất nguy hiểm…) tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao nằm trong khu dân cư; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Các cơ sở thương mại - công nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn về PCCC, nhất là hệ thống điện, hệ thống báo cháy, chữa cháy, nguồn nước; Có nhân sự, có đầu tư trang bị phương tiện PCCC theo quy định; Xây dựng phương án PCCC & CHCN, xử lý kịp thời các trường hợp sự cố (nếu có).
Đối với các đơn vị ngành điện phải có phương án PCCC, nâng cao năng lực đội ngũ PCCC; thường xuyên kiểm tra, xử lý khiếm khuyết hệ thống điện, hành lang an toàn lưới điện để tránh nguy cơ xảy ra cháy nổ do những nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành Công Thương như điện lực, dầu khí, xăng dầu, hoá chất, than khoáng sản, dệt may…cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC.
Nhiều ý kiến cho rằng các quy định của pháp luật khá đầy đủ và rõ ràng, tuy nhiên để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, các doanh nghiệp, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC.