Ngành Công Thương Quảng Ninh: Gỡ khó cho sản xuất công nghiệp
Thời gian vừa qua, sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã chuyển động theo chiều hướng tích cực. Theo đó, sản lượng than sạch sản xuất 10 tháng đầu năm ước đạt hơn 39,2 triệu tấn. Sản lượng than tồn kho còn khoảng 6,5 triệu tấn, giảm 40% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất ước đạt trên 30 nghìn tỷ kW, đạt 79,1% so với kịch bản cả năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sản xuất công nghiệp và phát triển, ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, là trụ cột quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, bù đắp sự sụt giảm của khu vực dịch vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những điểm sáng của công nghiệp Quảng Ninh |
Để đạt những kết quả này, ngành Công Thương Quảng Ninh đã thường xuyên nắm bắt khó khăn, vướng mắc của ngành than và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành đã chủ động phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị, địa phương giải quyết tháo gỡ khó khăn, kiến nghị. Đáng chú ý, ngành đã sớm xây dựng phương án bình ổn giá thị trường suốt quá trình phòng, chống dịch bệnh và trong tình hình mới...
Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo các đơn vị có hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về hóa chất, quy chế quản lý hoạt động hóa chất, phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn Quảng Ninh. Đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nhằm tối ưu hóa giá trị gia tăng của sản phẩm. Bên cạnh đó, tích cực thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch. Bên cạnh đó, Sở đã đề xuất bổ sung Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, hạ tầng điện được đầu tư cung cấp đến các dự án lớn của tỉnh nhằm phát triển kinh tế, hệ thống lưới điện cấp điện cho cụm điểm dân cư đảm bảo an sinh xã hội.
Với vai trò quản lý cụm công nghiệp (CCN), Sở Công Thương Quảng Ninh đã thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh phương án quy hoạch CCN phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt; tập trung triển khai thực hiện di dời đối với các cơ sở tự chuyển đổi ngành nghề hoặc tự chấm dứt hoạt động. Bên cạnh đó, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn theo đúng tiến độ, ưu tiên quỹ đất phục vụ việc di dời trên địa bàn theo đúng kế hoạch, lộ trình. Sở Công Thương đã lập báo cáo đề xuất phát triển CCN để đưa vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, sẽ thực hiện ưu tiên hình thành, phát triển một số tổ hợp CCN chuyên ngành phục vụ thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ của các nhà đầu tư chiến lược. Cùng với đó, tiếp tục phát triển các CCN có quy mô phù hợp nhằm thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất hộ gia đình đầu tư phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp...
Quảng Ninh dành nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước; hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết vấn đề về thuê đất, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Đến nay, nhiều CCN trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ lấp đầy từ 70 -100%. Giai đoạn 2021 - 2030, toàn tỉnh phấn đấu có 32 CCN với tổng diện tích 1.712,64ha, bình quân 53,52ha/cụm. |