Ngân hàng Thế giới và góc nhìn ấn tượng về kinh tế Việt Nam
Trong báo cáo phân tích vĩ mô tháng 5/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, kinh tế nước ta đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng, giá cả hàng hóa thế giới leo cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Theo các chuyên gia của WB, sản xuất công nghiệp tăng trưởng vững chắc. Mức tăng trưởng ấn tượng 54,7% trong tháng 5 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (mức cao nhất trong 12 tháng qua) là thành tố quan trọng góp phần thúc đẩy chỉ số công nghiệp. Bên cạnh đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng này bật tăng với tốc độ tăng 4,2% so tháng trước và tăng 22,6% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, sự quay trở lại của du khách quốc tế đã mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành dịch vụ.
Ảnh minh họa |
Tín dụng cũng tăng trưởng mạnh mẽ, giúp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 5 tăng 16,9% (so cùng kỳ năm trước), tương đương với tốc độ tăng trong vài tháng qua và cao hơn cùng kỳ năm trước 1,5 điểm phần trăm. Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế làm tăng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của hộ gia đình.
Tuy vậy, để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng, WB khuyến nghị, Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.
Có thể thấy, các khuyến nghị nêu trong báo cáo của WB cũng khá tương đồng với những giải pháp mà Việt Nam đang tiến hành lâu nay. Điểm này cho thấy kinh tế Việt Nam đã và đang phục hồi vững chắc, đúng hướng.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc Việt Nam kiên trì định hướng ổn định kinh tế vĩ mô, luôn bám sát các tín hiệu của thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới để có giải pháp điều hành phù hợp đã góp phần quan trọng, tạo bước phục hồi mạnh mẽ như ghi nhận của WB. Quan trọng hơn, ở đây không chỉ là câu chuyện ứng phó thuần túy với thị trường mà còn là việc xây dựng nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong khi vẫn thúc đẩy hội nhập sâu rộng, thực chất và bền vững.