Ngân hàng cần cơ chế và nguồn lực để thực hành ESG
Ngày 25/7, tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng” với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học; đại diện các bộ, ngành; các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các cơ quan thông tấn - báo chí.
Tọa đàm là diễn đàn để các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tín dụng, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học… cùng thảo luận, đánh giá về những cơ hội, thách thức về việc triển khai ESG - Environment (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị) trong ngành Ngân hàng; chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai ESG... Từ đó đề xuất các giải pháp tới các cơ quan quản lý để triển khai có hiệu quả ESG trong các doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng tại Việt Nam nói riêng.
Tọa đàm “Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng” |
47 tổ chức tín dụng với gần 640.000 tỷ đồng dư nợ /chu-de/tin-dung-xanh.topic
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng - cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống người dân. Theo nghiên cứu của Tổ chức DARA International, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 5% GDP.
Vì vậy thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thực hành ESG là một yêu cầu bắt buộc. Với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày càng nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt Nam áp dụng ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới thông điệp chung tay vì sự phát triển bền vững. Đây được xem là giải pháp mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cũng như nâng cao uy tín, vị thế của mình cả trong nước và quốc tế.
“Nhận thức tầm quan trọng của việc triển khai ESG trong hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững. Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với IFC xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế có rủi ro môi trường và xã hội cao nhất” - bà Hoàng Thanh Nhàn thông tin.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng, nỗ lực đầu tư cho vay tín dụng xanh.
Bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng phát biểu khai mạc toạ đàm |
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có 80% - 90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động. Có tới gần 50% các ngân hàng khác thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường. Một số ngân hàng cũng đã ban hành “Khung tín dụng xanh”, “Khung khoản vay bền vững” nhằm đưa ra quy trình sử dụng và quản lí nguồn vốn vay dành cho dự án thuộc các lĩnh vực xanh, giảm phát thải. Không ít tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững.
Chi tiết hơn về thực hành ESG trong ngành Ngân hàng, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 31/3/2024 có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt gần 640.000 tỷ đồng, chiếm tỷ 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế. 34 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội với dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế.
“Hầu hết các tổ chức tín dụng đã tích hợp quản lý rủi ro môi trường vào quy trình cấp tín dụng và quản lý rủi ro hiện hành; có 35 tổ chức tín dụng đã ban hành Quy định quản lý rủi ro môi trường riêng biệt” - bà Tùng cho biết.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, các tổ chức tín dụng ngày càng quan tâm phát triển bộ phận quản lý rủi ro môi trường. Có 11 tổ chức tín dụng thành lập bộ phận quản lý môi trường xã hội riêng, hoặc tiểu ban phát triển bền vững. Một số tổ chức tín dụng, bộ phận quản lý rủi ro môi trường xã hội có thể tham gia vào quá trình tái thẩm định đối với các khoản vay của dự án có rủi ro môi trường ở mức trung bình và cao.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, số dự án/khách hàng đã cấp tín dụng được thực hiện quản lý rủi ro môi trường đạt 110.371 dự án/khách hàng. Dư nợ được quản lý rủi ro về môi trường là 991.378 tỷ đồng.
Khó khăn về cơ chế, nguồn lực
Tại tọa đàm, chuyên gia, diễn giả đã tập trung phân tích sâu hơn về những lợi ích, cơ hội khi các ngân hàng triển khai ESG, cũng như chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp để triển khai ESG hiệu quả hơn nữa để hướng tới phát triển bền vững.
Theo chia sẻ của các đại biểu, việc ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn ESG mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế và chính bản thân ngân hàng. Đối với nền kinh tế, ngân hàng có thể mang lại những tác động tích cực cho môi trường và xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế hướng tới phát triển bền vững thông qua việc ưu tiên dành các chính sách tài trợ ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện tốt các vấn đề ESG, hạn chế tài trợ cho các dự án có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, sự phát triển của các cơ chế quản trị ESG trong hoạt động tín dụng cũng được xem là có khả năng định hướng cho các nhà sản xuất, các nhà đầu tư đến phát triển bền vững…
Đối với ngân hàng, việc thực hành các tiêu chuẩn ESG mang lại nhiều lợi ích nâng cao uy tín, mở rộng thị phần; tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro, giảm chi phí vận hành do tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu; giảm áp lực pháp lý, thu hút được nguồn vốn ưu đãi từ tổ chức quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư…
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Toạ đàm |
Mặc dù vậy, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, hiện nay chưa có quy định chung của Quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế để làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh. Đồng thời, thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý chuyên ngành về ESG.
Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng, khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng; đồng thời phát sinh thêm chi phí cho các tổ chức tín dụng phải đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng cường năng lực chuyên môn cán bộ ngân hàng về tài trợ dự án xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững.
Cũng theo bà Tùng, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.
“Nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia rất lớn, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ các-bon còn chưa phát triển hoặc chưa triển khai gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng” - bà Tùng cho hay.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược về ESG của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là rào cản lớn, khiến cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững và thực hành ESG tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tác động đến hiệu quả hoạt động cấp tín dụng, quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng.
Hiểu những khó khăn của các tổ chức tín dụng, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo thống kê hoạt động tín dụng đối với Danh mục phân loại xanh quốc gia sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước theo dõi, hướng dẫn các tổ chức tính dụng thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức tín dụng triển khai, thực hiện.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng tiếp cận các hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực quốc tế để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam. Tích cực triển khai công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức tín dụng trong triển khai công cụ tài chính xanh hiệu quả.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực tham gia các Diễn đàn trong nước và quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững từ đó có những hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức tín dụng” - bà Tùng khẳng định.
Bên cạnh nỗ lực của các tổ chức tín dụng, để thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng, các đại biểu đề xuất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành liên quan nhất là trong hoàn thiện khung pháp lý về ESG; sớm ban hành danh mục dự án xanh quốc gia để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý xác định các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh; có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon như: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon… nhằm đẩy nhanh vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.