Nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh: Cần hơn 39.000 tỷ đồng
Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, cơ quan này xác định nhu cầu vốn đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 dự kiến là 39.376 tỷ đồng. Trong đó thời kỳ 2021 – 2030 dự kiến là 24.311 tỷ đồng, giai đoạn sau 2030 tầm nhìn đến 2050 khoảng 15.065 tỷ đồng.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh giai đoạn đến 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch được duyệt, giai đoạn đến 2020 lượng hành khách tiếp nhận đạt 5,5 triệu hành khách/năm, định hướng đến 2030 lượng hành khách tiếp nhận đạt 8,0 triệu hành khách/năm. Tuy vậy, thực tế khai thác 2019, sân bay này đã đón 10 triệu lượt khách. Năm 2020 và 2021, ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, sản lượng hành khách thông qua sân bay vẫn đạt khoảng 3,3 triệu hành khách.
Cũng theo quy hoạch đã được phê duyệt, từ đó đến nay sân bay Cam Ranhđã được triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản.
Để nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cần hơn 39.000 tỷ đồng |
Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng nhanh, theo dự báo sản lượng khách thông qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh được đưa ra trong đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đang được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức triển khai lập và báo cáo Thủ tướng phê duyệt là 25 triệu hành khách/năm trong thời kỳ 2021 – 2030 và tăng lên 36 triệu hành khách/năm trong tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đề xuất của Cục Hàng không, trong thời kỳ 2021 – 2030, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, công suất thông qua đạt 25 triệu hành khách/năm và 55.000 tấn hàng hóa/năm.
Trong thời kỳ 2021 – 2030, đề xuất giữ nguyên đường cất hạ cánh số 2 đã được nâng cấp đồng thời xây mới đường cất hạ cánh số 1 cách đường cất hạ cánh số 2 là 360m. Tầm nhìn đến 2050 sẽ giữ nguyên theo quy mô đã xây dựng tại giai đoạn trước.
Về nhà ga hàng không, thời kỳ 2021-2030, Cục Hàng không đề xuất xây dựng nhà ga hành khách T1 theo nhu cầu, công suất quy hoạch 21 triệu hành khách/năm (quốc nội 8,5 triệu hành khách/năm, quốc tế 12,5 triệu hành khách/năm), giữ nguyên nhà ga T2 (quốc tế) công suất 4 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến 2050 sẽ cải tạo nhà ga T2 và hợp khối nhà ga T1 thành nhà ga T1 (quốc tế) mới công suất 24 triệu hành khách/năm. Xây mới nhà ga T3 (quốc nội) công suất 12 triệu hành khách/năm đảm bảo theo dự báo tầm nhìn đến năm 2050 đạt 36 triệu hành khách/năm.
Đối với nhà ga hàng hóa, đề xuất quy hoạch diện tích đất cho khu ga hàng hóa là 12,1ha. Thời kỳ 2021 – 2030 sẽ xây dựng mới nhà ga hàng hóa tại vị trí về phía Bắc sân đỗ máy bay, tiếp giáp đường ven biển; công suất nhà ga hàng hóa đáp ứng khoảng 55.000 tấn hàng hóa/năm giai đoạn đến năm 2030. Tầm nhìn đến 2050 sẽ tiến hành mở rộng nhà ga hàng hóa về phía Đông, công suất nhà ga hàng hóa đáp ứng khoảng 100.000 tấn hàng hóa/năm, có thể mở rộng đảm bảo phát triển dài hạn.