Thay mặt Bộ Chính trị, ngày 23/5/2024, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã ký ban hành Quy định số 148-QĐ/TW (gọi tắt Quy định 148) về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Quy định này áp dụng đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu
Trả lời phóng viên Báo Công Thương bên lề hành lang Quốc hội vào sáng ngày 8/6 khi được hỏi quan điểm của mình về Quy định 148, đại biểu Trần Anh Tuấn- Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Khi trao trách nhiệm cho người đứng đầu trong xử lý công việc tại đơn vị do mình quản lý thì người đứng đầu sẽ có sự sâu sát hơn, chỉ đạo mang tính toàn diện hơn.
Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh |
“Đặc biệt ở ngành, đơn vị xảy ra nhiều sự việc không tốt, vi phạm pháp luật, người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, với Quy định 148 sẽ góp phần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, giám sát. Nhận thức được tất cả vấn đề đó, người đứng đầu sẽ tìm mọi giải pháp để không xảy ra các vụ việc đáng tiếc xảy ra”- đại biểu Trần Anh Tuấn cho hay.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng: Quy định 148 đã đề cao vai trò của người đứng đầu.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, có hai tình huống: Thứ nhất, tạm đình chỉ để làm việc với các cơ quan chức năng, tình huống này đã thực hiện rồi mặc dù chưa có quy định rõ ràng. Thứ hai, tạm đình chỉ khi cán bộ có biểu hiện thoái thác nhiệm vụ- đây là vấn đề mới.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh chia sẻ, thực tế trong quá trình điều hành, nhiều trường hợp thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ đạo, cán bộ ở dưới không chịu làm. Với quy định mở trên sẽ tạo thuận lợi cho người đứng đầu các cơ quan quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu lý giải, đứng trước thực trạng cấp dưới trây ỳ, thoái thác thực hiện nhiệm vụ, có biểu hiện ‘ngâm giữ hồ sơ’ trong giải quyết thủ tục hành chính, việc tạm đình chỉ theo quy định này đã tạo hành lang và công cụ cho người đứng đầu nếu muốn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, thúc đẩy cả hệ thống xóa bỏ tâm lý né tránh công việc, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết công việc.
“Quy định 148 đã ban hành kịp thời, nhất là trong bối cảnh hiện nay, tâm lý cán bộ né tránh công việc. Quy định mới này sẽ buộc cán bộ phải lao vào công việc, tìm tòi giải pháp, đề xuất trước những vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ”- đại biểu Phạm Văn Thịnh nhận xét.
Có tạo cơ hội cho biểu hiện chuyên quyền, độc đoán?
Khi được hỏi cần phải làm gì để quy định không “tạo cơ hội” cho sự độc đoán, chuyên quyền? đại biểu Trần Anh Tuấn khẳng định: “Khi chúng ta công khai, minh bạch tất cả mọi việc thì không lo ngại vấn đề trù dập, chuyên quyền, độc đoán xảy ra. Chúng ta làm vì lợi ích chung, hi sinh cái tôi để thực hiện công việc chung. Tôi nghĩ về lợi ích chung, cái tốt cho tập thể nhiều hơn, tính dân chủ sẽ được thể hiện ở sự công khai, minh bạch rõ ràng trong tập thể, trong cơ quan, điều này sẽ tạo sự đồng thuận của những cá nhân và tập thể đó”.
“Khi áp dụng quy định này sẽ tạo ra trách nhiệm của cá nhân các thành viên trong tổ chức và người đứng đầu, do đó lợi ích của tập thể sẽ được phát huy, sẽ tạo sức bật tốt hơn cho tập thể đó phát triển”- đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang |
Còn theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, vấn đề chuyên quyền, trù dập sẽ khó mà xảy ra, bởi Quy định 148 quy định rất rõ thời hạn tạm đình chỉ công tác với cán bộ là 15 ngày. Khi ra quyết định tạm đình chỉ, người đứng đầu phải nêu rõ lý do. Trường hợp tạm đình chỉ không đúng quy định thì người ra quyết định tạm đình chỉ sẽ bị xử lý kỷ luật.
Ông Thịnh nêu ví dụ, trong điều hành tại địa phương, khi người đứng đầu yêu cầu cấp dưới tạm dừng điều hành việc chính để tập trung giải quyết một việc khác, đơn cử khi cấp dưới giải phóng mặt bằng chậm, Chủ tịch tỉnh yêu cầu UBND huyện dừng hết mọi việc điều hành lại để tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng - đây chính là một dạng việc như vậy.
“Những yếu tố rủi ro do việc lạm dụng quyền hạn của người đứng đầu gần như không có. Bên cạnh đó, mỗi người lãnh đạo khi ra quyết định tạm đình chỉ đều phải cân nhắc, phải có tài liệu chứng cứ, có yêu cầu rất cụ thể mới thực hiện việc này”- đại biểu Phạm Văn Thịnh khẳng định.