Nhiều năm qua, khi bước vào mùa mưa, tỉnh Hà Tĩnh là điểm nóng của nạn săn bẫy chim trời làm để bán hoặc chế biến món ăn. Mặc dù UBND tỉnh này đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư, tuy nhiên thực trạng này vẫn diễn ra ở nhiều địa phương ven biển.
Tại cửa biển Lạch Kèn (giáp ranh giữa hai xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân và Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xem là điểm đen của nạn săn bẫy chim trời.
|
Người dân giăng “thiên la địa võng” khi chim trời đáp xuống là không có lối thoát |
Theo ghi nhận, có khoảng 5-6 điểm bẫy chim trời, đặc biệt có “trận địa” nằm ngay giữa dòng nước. Ở mỗi điểm bẫy, người dân đặt khoảng 10 con chim thật để làm mồi dụ chim trời bay xuống.
Chỉ trong khoảng 30 phút, đàn chim trời hàng trăm con liên tục hạ xuống khu vực giăng bẫy của người dân. Khi đáp xuống “ma trận” bẫy, chỉ phân nửa đàn có thể bay lên lần nữa.
|
Đàn chim dính bẫy rất nhiều |
Lãnh đạo UBND xã Thịnh Lộc cho biết, địa phương đã cử một phó chủ tịch UBND xã phụ trách theo dõi, kiểm tra những điểm nóng của nạn săn bẫy chim trời nhưng khi lực lượng chức năng đi phá bẫy thì những đối tượng này lẩn trốn rất nhanh nên khó xử lý triệt để.
“Để hạn chế nạn bẫy chim trời, lực lượng chức năng và công an đã liên tục tuần tra, thu giữ hàng trăm chim mồi giả để tiêu hủy theo quy định”, ông Khánh chia sẻ.
Còn theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, các đoàn kiểm tra của huyện, xã đã tiến hành 253 lượt kiểm tra việc săn bắt bẫy... chim tự nhiên, di cư.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, hoạt động bẫy, bắt, mua bán chim hoang dã, di cư từ nhiều năm nay là sinh kế của một số hộ gia đình, cá nhân nên việc vận động, yêu cầu chấm dứt hoạt động này gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn xem các món ăn chế biến từ chim hoang dã, di cư là món ăn đặc sản, nên nhu cầu các thực phẩm này trên thị trường cao. Từ đó, dẫn đến các vi phạm về đánh bắt, bẫy động vật hoang dã, chim tự nhiên vẫn còn xảy ra.
Một số hình ảnh săn bẫy chim trời được ghi nhận tại Hà Tĩnh:
|
Sau khi chim dính bẫy nằm dưới nước, người đàn ông trốn trong lùm cây giữa “trận địa” bẫy mới lội ra thu gom “chiến lợi phẩm”. |
|
Loại chim bị săn bắt, đánh bẫy chủ yếu là cò, cói, vạc,… |
|
Hình ảnh trận địa bẫy tại khu vực đầm lầy có nhiều cây bần cao khoảng 5-7m thuộc xã Thịnh Lộc |
|
Bẫy được người dân đặt trên ngọn cây cao vút |
|
Mồi để dụ chim trời là cò trắng làm bằng xốp và chim thật |
|
Bẫy được giăng khắp nơi nên chỉ cần chim trời hạ xuống là không có lối thoát. |
|
Trận địa bẫy được người dân giăng giữa lòng cửa biển Lạch Kèn |
|
Mỗi “trận địa” bẫy có khoảng 10 con mồi là chim thật. |