Nam Định: Chạy đà sớm cho mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, thương mại
Kết quả bước đầu khả quan
Chung bối cảnh với các địa phương khác trên cả nước, Tết Nguyên đán Giáp Thìn diễn ra trong tháng 2 năm 2024, số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, do vậy chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2024 của Nam Định giảm 29,19% so với tháng trước và giảm 16,73% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy vậy, tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 11,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,49%, đóng góp 10,13 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 7,79%, đóng góp 1,77 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,51%, làm giảm 0,36 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 8,50%, làm giảm 0,31 điểm phần trăm.
Nam Định: Chạy đà sớm cho mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, thương mại. Ảnh minh họa |
Chỉ số tiêu thụ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 2 tháng đầu năm tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: sản xuất đồ uống tăng 9,67%; sản xuất trang phục tăng 2,65%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 1,88%. Bên cạnh đó, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp 2 tháng cũng tăng 6,65% so với cùng kỳ năm trước.
Tương ứng với sự khởi sắc của sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của Nam Định 2 tháng đầu năm cũng có những dấu hiệu sáng. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 621 triệu USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 28,2%; nhập khẩu tăng 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 199 triệu USD.
Đáng nói, trong 2 tháng qua các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu, như: Nguyên phụ liệu may; da và các mặt hàng liên quan; bông, xơ, sợi dệt… cho thấy hiện trạng sản xuất của các doanh nghiệp khá ổn định.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ
Có thể thấy với những kết quả sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đã đạt được trong 2 tháng đầu năm, Nam Định đã có bước chạy đà tốt cho mục tiêu phát triển kinh tế năm nay. Các ngành chức năng của tỉnh, trong đó có ngành Công Thương đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu năm 2024 với: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.300 triệu USD.
Theo đó, riêng ngành Công Thương tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh. Thực hiện phân bố không gian phát triển công nghiệp phù hợp theo từng vùng, địa phương... Tiếp tục kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp theo quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư lớn. Tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng, các dự án của nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông,...
Phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách như: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, hàng tiêu dùng... Tiếp tục khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của địa phương như: Cơ khí sản xuất máy nông nghiệp, máy xây dựng; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; sợi, dệt, nhuộm, may thời trang cao cấp.
Chủ động và phối hợp với các ngành, UBND các huyện nắm sát tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với tỉnh giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, lưu thông, bảo đảm cân đối cung cầu, đẩy mạnh xuất khẩu.
Cùng đó, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, góp phần đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chủ lực, có tiềm năng lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Phát triển và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở xây dựng lại cơ cấu thị trường, chuyển dịch sản xuất các mặt hàng theo hướng tăng sản phẩm chế biến và chế biến sâu, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, gia công trong cơ cấu hàng xuất khẩu.
Thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định và củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, nhất là các FTA thế hệ mới. Đa dạng hóa thị trường và cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, mở rộng các mặt hàng chủ lực (dệt may, da giày, sản phẩm gỗ...) đã có đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới như nông thủy sản, sản phẩm cơ khí....; nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phân phối hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến để kích thích nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".