Năm 2024, ngành Công Thương Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng 10%
Sản xuất và phân phối điện tăng 14%
Báo cáo kết quả hoạt động ngành Công Thương tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2023 ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022; tỷ trọng công nghiệp trong GRDP năm 2023 chiếm khoảng 32%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 7,41% so với năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 11,41%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14% và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,87%..
Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. |
Các sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá so với năm 2022, như thép ước đạt 4,8 triệu tấn, tăng 8,5%; điện sản xuất ước đạt 8,4 tỷ kWh, tăng 12%; điện thương phẩm ước đạt 1,6 tỷ kWh, tăng 13%; bia đạt gần 70 triệu lít, tăng 3%.
Đặc biệt, từ tháng 8/2023, Nhà máy sản xuất Pin VinES Hà Tĩnh đã chính thức sản xuất những sản phẩm đầu tiên góp phần đưa sản phẩm mới vào thị trường với công suất thiết kế 100.000 pack pin/1 năm.
Trong khi đó, về thương mại dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 59.776 tỷ đồng, tăng 13,03% so với năm 2023. Trong đó một số nhóm có mức tăng trưởng cao, như gỗ và vật liệu xây dựng (tăng 38,35%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (tăng 27,29%); vật phẩm văn hóa giáo dục (28,26%); lương thực, thực phẩm (tăng 17,97%); hàng may mặc (tăng 16,03%).
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,4 tỷ USD, vượt 20% so với kế hoạch và tăng 33% so với năm 2022; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu từ hoạt động sản xuất công nghiệp như thép, phôi thép, dăm gỗ… Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu nhập nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất của Formosa.
Trong công tác quản lý, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương; nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; hoàn thành 06 nhiệm vụ khung theo Chương trình số 21/CTr-UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh, 106 nhiệm vụ chủ yếu của Ngành và các nhiệm vụ đột xuất do Bộ, UBND tỉnh giao. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực Công Thương đã chủ động tham mưu, tổ chức triển khai và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Phát huy các tiềm năng thế mạnh của tỉnh
Dự báo, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn gặp khó khăn; ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine và xung đột Trung Đông làm cho giá xăng dầu tăng tác động đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp; Xu hướng bảo hộ mậu dịch thông qua các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của tỉnh.
Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 6, năm 2023 và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023. |
Để tiếp tục góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh định hướng chú trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng phát huy các tiềm năng thế mạnh của tỉnh; phát triển theo chiều sâu và bền vững.
Các chỉ tiêu cụ thể năm 2024, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 10% so với năm 2023; Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 68.745 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2023; Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,4 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 3,7 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu do Formosa nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép.
Các giải pháp trọng tâm được Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh đưa ra như, tham mưu UBND tỉnh triển khai Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia lĩnh vực công thương; các Nghị quyết, kết luận, chương trình hành động của Tỉnh ủy liên quan đến ngành Công Thương .
Thực hiện Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 19/5/2023 về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII); triển khai Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện cơ chế đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ các dự án nguồn điện: điện gió, mặt trời, thủy điện, điện sinh khối, điện rác...; triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở công sở, trụ sở của doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực hiện Đề án ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hạ tầng điện (hệ thống nguồn, lưới điện từ trung áp trở lên) và thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát, báo cáo về tình hình sử dụng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn tỉnh".
Tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án phát triển hệ thống dự trữ cung ứng xăng dầu, khí đốt trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình về chuyển đổi số liên quan đến lĩnh vực công thương; tiếp tục tập trung thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025.