Ngày 22/11, UBND TP. Hải Phòng phối hợp Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số TP. Hải Phòng năm 2024, với chủ đề “Chuyển đổi số xanh - Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thu Anh |
Đây là sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia - nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - cho biết: Năm 2024, thực hiện chủ đề năm của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số”, TP. Hải Phòng đã ban hành các chương trình/đề án/kế hoạch, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Về lĩnh vực kinh tế số, thành phố đã quan tâm thu hút đầu tư trong phát triển công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, góp phần tăng cường tỷ trọng kinh tế lõi ICT. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn, như: Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, VinGroup... hoạt động trong lĩnh vực ICT đã đầu tư và phát triển mạnh mẽ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế thành phố. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động và gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trong hoạt động... Theo đó, kinh tế số mang lại nhiều hiệu quả cho sự phát triển kinh tế của Hải Phòng, tỷ trọng gia tăng kinh tế số ICT/GDP của thành phố ước đạt 29,7%, đứng thứ tư cả nước.
Về phát triển hạ tầng số, Hải Phòng có nhiều bước phát triển mạnh, ngoài việc triển khai thử nghiệm 5G thương mại tại các khu đô thị trung tâm, để thúc đẩy các ngành mũi nhọn là cảng biển và công nghiệp, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai 5G tại các cảng Tân Vũ, Đình Vũ để thí điểm xây dựng cảng thông minh và triển khai thành công mạng 5G dùng riêng cho nhà máy thông minh đầu tiên trên toàn quốc tại Công ty Pegatron (Khu công nghiệp DEEP C II).
Ông Hoàng Minh Cường nhấn mạnh: Hải Phòng cũng đặc biệt quan tâm đến số hóa ngành kinh tế cảng biển. Tại các cảng biển, các doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam, nền tảng chuyển đổi số cảng biển, góp phần tạo sự chuyển động nhanh trong hoạt động.
Hiện, 100% số cảng tại Hải Phòng có hệ thống quản lý cảng TOS; trong đó, có 22 cảng (chiếm hơn 40% số cảng) ứng dụng các nền tảng cảng biển số chỉ trong thời gian nhanh từ 2 - 4 tuần, với chi phí bằng 10 - 20% so với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài. Việc ứng dụng nền tảng cảng biển số đã góp phần đưa năng lực đón tàu của hệ thống cẩu tăng khoảng 50%, khả năng giải phóng hàng hóa tại bãi tăng 30%. Cùng với đó, các thủ tục hành chính, dịch vụ cảng giảm mạnh từ 6 - 8 giờ với 12 điểm chạm xuống chỉ còn 3 phút với 2 điểm chạm...
"Năm 2025, Hải Phòng sẽ có cơ chế đột phá thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất, phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 40% GRDP thành phố" - ông Hoàng Minh Cường cho biết thêm.
Quang cảnh Diễn đàn chuyển đổi số TP. Hải Phòng năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh - Động lực phát triển kinh tế, xã hội” |
Tại diễn đàn, các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghệ số thảo luận, trao đổi tập trung vào định hướng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm; chuyển đổi số - chuyển đổi xanh xu hướng tất yếu để tăng trưởng và phát triển bền vững; các giải pháp công nghệ số (IoT, AI, Big Data, ERP, 5G) thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh; khu công nghiệp xanh thông minh, tăng lợi thế cạnh tranh và hấp dẫn đầu tư; chuyển đổi số - chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp sản xuất.
Các chuyên gia, diễn giả cũng tham gia thảo luận, đồng thời tham góp đến lãnh đạo TP. Hải Phòng, nhất là các khu công nghiệp cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng khu công nghiệp. Cụ thể, các khu công nghiệp phát triển hạ tầng xanh sẵn có để hấp dẫn nhà đầu tư như điện xanh, nước sạch, môi trường xanh, xử lý rác thải xanh; hạ tầng các nhà xưởng có sẵn, xanh - thông minh với các hệ thống kiểm soát; tài chính xanh.
Cùng với đó là phát triển các hạ tầng số bao gồm: Hạ tầng dữ liệu; hạ tầng truyền dẫn cáp quang, 5G; hạ tầng các giải pháp số - các nhà cung cấp công nghệ số sẵn sàng tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp/nhà đầu tư, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi xanh.
Hải Phòng cần có chiến lược săn đón và sự chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm đủ lớn để đón những doanh nghiệp lớn “doanh nghiệp đại bàng” của thế giới, thay vì chạy theo các chỉ tiêu “lấp đầy”. Phát triển hạ tầng số - hình thành chuyển đổi kép số - xanh, tạo lợi thế vượt trội hấp dẫn nhà đầu tư cho Hải Phòng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA, Hải Phòng là một thành phố đặc thù với nhiều lợi thế và dư địa phát triển. Những lĩnh vực Hải Phòng đang tập trung cũng chính là những lĩnh vực các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có kinh nghiệm, giải pháp và nguồn lực triển khai. VINASA và các doanh nghiệp công nghệ số hội viên sẵn sàng đồng hành cùng Hải Phòng cho những bước chuyển đổi tiếp theo về số về xanh và những lĩnh vực công nghệ mới tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn.
Các đại biểu tham quan các gian trưng bày công nghệ số. Ảnh: Thu Anh |
Ngoài các phiên hội nghị chính, diễn đàn chuyển đổi số Hải Phòng 2024 còn có hoạt động bên lề, như triển lãm thành tựu và giải pháp công nghệ, với gần 20 gian hàng trưng bày các thành tựu chuyển đổi số của Hải Phòng và các giải pháp chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, Mobifone…