Đại sứ Mỹ Ted Osius. (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ)
Theo đó, Đại sứ đã nêu bật mối quan hệ đối tác toàn diện, thể hiện mức tiến rất xa mà hai nước đã đạt được trong 20 năm qua.
“Trong những năm 90, liệu có ai nghĩ là sẽ có thể có một mối quan hệ đối tác như vậy? Hồi đó, tôi đã ở đây và tôi có thể nói rằng mặc dù tất cả chúng tôi đều hy vọng về những điều tốt nhất, nhưng tôi không nghĩ rằng có ai lại dự đoán được rằng chúng ta có thể tiến xa như hiện nay,” Đại sứ Ted Osius chia sẻ.
Với những nỗ lực của cả hai bên, Đại sứ khẳng định Việt Nam và Mỹ hiện đã có mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, cả hai nước đều đã có những chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao, sự ủng hộ của Mỹ với chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hoà bình của Việt Nam.
Về kinh tế, kim ngạch thương mại hàng năm giữa Mỹ và Việt Nam hiện khoảng 35 tỷ USD, tăng gấp 7 lần trong 20 năm qua.
Lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng là một thành công lớn trong hợp tác của hai bên. Tiêu biểu có thể kể đến như việc ký kết hiệp định 123 về năng lượng hạt nhân dân sự. Hiệp định này tạo tiền đề cho Việt Nam mở rộng các nguồn năng lượng của mình và hợp tác hạt nhân chặt chẽ hơn trong các thập kỷ tới.
Về lĩnh vực giáo dục, tiêu biểu nhất cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP). Đại sứ Mỹ cho biết, chương trình Fulbright sẽ chuyển đổi thành một tổ chức hoàn chỉnh có tên là trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Đây sẽ là trường đại học tư nhân phi lợi nhuận, tạo ra một cơ chế nhân tài được điều hành minh bạch và một diễn đàn cho các khuyến nghị chính sách tâm huyết.
Trong lĩnh vực y tế, Mỹ đã đầu tư nhiều tại Việt Nam như đã chi gần 700 triệu USD để chống HIV/AIDS thông qua Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Cứu trợ AIDS. Việt Nam cũng đã trở thành một nước trọng điểm trong Chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ về An ninh Sức khoẻ Toàn cầu. Đại sứ quán Mỹ và Bộ Y tế Việt Nam đã khánh thành một Trung tâm Điều hành, kết nối Hà Nội với bốn khu vực khác, để theo dõi các trường hợp bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.
Việt Nam và Mỹ cũng đã có những hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại. “Tôi muốn cảm ơn Việt Nam đã tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của chúng tôi nhằm tìm kiếm với mức độ đầy đủ nhất có thể được những quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Các đội tìm kiếm làm việc không biết mệt mỏi để khai quật các địa điểm và lần theo các đầu mối thông tin, và hai nước chúng ta đang chia sẻ những kiến thức chuyên môn mà có thể giúp tìm kiếm hiệu quả hơn những quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Các nỗ lực này đã và vẫn là rất quan trọng để xây dựng lòng tin giữa hai nước chúng ta,” Đại sứ Ted Osius nói.
Cũng theo Đại sứ, cho tới nay, Mỹ đã chi hơn 65 triệu USD cho việc xử lý ô nhiễm dioxin và 80 triệu USD cho việc xử lý ô nhiễm bom mìn chưa nổ. Năm nay, Mỹ tăng gấp đôi khoản đóng góp hàng năm lên tới hơn 10 triệu USD. Mỹ cũng mong đợi được giúp Trung tâm Hành động Bom mìn mới được thành lập của Việt Nam.
Về quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh, hai nước tiếp tục đạt được những tiến bộ vững chắc trên cả năm lĩnh vực ưu tiên đã nhất trí về hợp tác quốc phòng, gồm an ninh biển, đối thoại cấp cao, tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa và các hoạt động giữ gìn hoà bình. Việc tiến hành thường xuyên các chuyến thăm quân sự cấp cao giúp cả hai bên hiểu nhau hơn.
Năm 2014, hai nước đã tiến hành cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn đầu tiên của hải quân hai nước và một cuộc huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trong khu vực đô thị của các lực lượng hai nước. Cuối tháng Ba, lực lượng vũ trang của hai nước sẽ cùng nhau tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong khuôn khổ chương trình Thiên thần Thái Bình Dương năm nay. Vào tháng Tám, hải quân hai nước sẽ cộng tác trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương.
Khẳng định tất cả những thành quả về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong thời gian qua là một bước tiến rất lớn sau khi bình thường hoá quan hệ, Đại sứ Ted Osius cho rằng: “Nếu chúng ta có học được điều gì trong thời gian 20 năm qua thì điều đó là không có điều gì là không thể. Chúng ta hãy lấy đó làm phương châm của chúng ta cho thời gian 20 năm tới và xa hơn nữa.”
Theo đó, Đại sứ cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam và Mỹ hoàn toàn có thể có những bước tiến hơn nữa như thúc đẩy các mối quan hệ theo kênh đảng giữa hai nước để xây dựng năng lực và quản trị nhà nước hiệu quả; cộng tác để chống lại bệnh lao và loại bỏ bệnh sốt rét tại Việt Nam; tiến hành các chuyến bay thẳng giữa hai nước; đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam…
Đại sứ cũng bày tỏ tin tưởng: “Với truyền thống con rồng cháu tiên, Việt Nam đã tạo được cho mình một đôi cánh vững chắc để bay lên” và khẳng định “Chính phủ và nhân dân Mỹ sẵn sàng tiếp them sức mạnh cho Việt Nam bay cao, bay xa hơn nữa”.