Mỹ điều chiến đấu cơ F-15 đến Trung Đông, EU kêu gọi ngừng xung đột
Washington quyết tâm bảo vệ lợi ích chiến lược
Theo CNN, ngày 7/11, quân đội Mỹ xác nhận các máy bay F-15E Strike Eagles từ Phi đội Tiêm kích 492 tại căn cứ RAF Lakenheath (Anh) đã có mặt tại khu vực thuộc quyền quản lý của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM). Trên mạng xã hội, quân đội Mỹ nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ người dân và sẵn sàng phản ứng nếu Iran hoặc các đối tác của họ đe dọa lợi ích của Mỹ.
Sự hiện diện của các chiến đấu cơ F-15 là một phần trong đợt điều động lực lượng lớn của Mỹ, bao gồm cả máy bay ném bom, máy bay tiếp dầu, và các tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo nhằm củng cố khả năng phòng thủ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder, nhấn mạnh rằng: “Washington sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh trong khu vực nếu Iran hoặc các nhóm vũ trang liên quan có ý định tấn công quân nhân Mỹ”.
Chiến đấu cơ F-15E Strike Eagle. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ |
Các đợt điều động quân sự của Mỹ diễn ra sau vụ Israel không kích vào các cơ sở quân sự của Iran ngày 26/10, mặc dù tránh các địa điểm hạt nhân và dầu mỏ quan trọng. Động thái này đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Iran và Israel, vốn đã ở trong tình trạng đối đầu trong nhiều năm qua. Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, mạnh mẽ tuyên bố rằng Cộng hòa Hồi giáo này sẽ có phản ứng thích đáng trước các hành động của Israel.
Iran trước đó đã thực hiện hai cuộc tấn công nhằm vào Israel trong năm nay, lần đầu tiên vào tháng 4, được cho là nhằm trả đũa vụ không kích vào Lãnh sự quán Iran tại Damascus mà họ cáo buộc do Israel thực hiện, và lần thứ hai vào tháng 10 sau khi một số thủ lĩnh của các nhóm vũ trang thân Iran bị ám sát. Iran khẳng định những hành động này là để bảo vệ lợi ích chiến lược của họ và đáp trả trước các mối đe dọa từ phía Israel.
EU lên án bạo lực, kêu gọi hòa bình ngay lập tức
Bất chấp nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng của cộng đồng quốc tế, các cuộc giao tranh ác liệt xuyên biên giới tiếp tục nổ ra giữa quân đội Israel và Phong trào Hezbollah ở Liban. Đợt tấn công ác liệt nhất diễn ra vào chiều 7/11, với khoảng 40 quả tên lửa đồng loạt được phóng đi từ phía nam Liban, hướng vào các khu vực tây và thượng Galilee, thành phố cảng Haifa. Như vậy, thông tin về kế hoạch của một lệnh ngừng bắn tạm thời kéo dài 60 ngày có thể sẽ được triển khai trước khi bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 diễn ra mà quan chức Mỹ rò rỉ vào tuần trước đã thất bại. Tân thủ lĩnh Hezbollah cho biết một cuộc đàm phán gián tiếp về thỏa thuận ngừng bắn sẽ diễn ra chỉ khi Israel dừng các cuộc xung đột.
Israel đẩy mạnh không kích vào Lebanon. Ảnh: Times of Israel |
Tình hình ở Liban ngày càng trở nên nghiêm trọng, với các báo cáo từ hãng thông tấn quốc gia Liban cho biết hơn 55 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong 33 cuộc không kích của Israel vào khu vực Bekaa và Baalbek ngày 6/11. Những tuần gần đây, Israel đã tấn công nhiều vị trí tại Baalbek và Tyre - hai thành phố có các di tích cổ đại La Mã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, hiện được coi là thành trì của Hezbollah.
Cùng ngày, Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU, Josep Borrell, đã lên án các cuộc không kích nhằm vào các khu vực Bekaa, Baalbek, và Nasriya, bao gồm cả một số nơi gần sân bay Beirut. Ông Borrell kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức” các cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để duy trì hòa bình trong khu vực.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, Josep Borrell. Ảnh: AFP |
UNESCO cũng bày tỏ lo ngại về sự đe dọa đối với các di sản văn hóa Liban. Tổ chức này cho biết một ủy ban sẽ họp phiên bất thường tại Paris vào ngày 18/11 tới để thảo luận về việc đưa các di sản của Liban vào danh sách cần được tăng cường bảo vệ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi hơn 100 nghị sĩ Liban kêu gọi UNESCO bảo tồn các di sản tại những khu vực đang bị tàn phá nặng nề.
Trong bối cảnh Mỹ tăng cường triển khai lực lượng và căng thẳng giữa Israel, Iran, và các lực lượng vũ trang liên quan tiếp tục leo thang, triển vọng cho hòa bình tại Trung Đông dường như ngày càng mờ nhạt. Giới chuyên gia nhận định: “Lời kêu gọi chấm dứt xung đột của EU là dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao, nhưng các bên tham chiến vẫn còn nhiều cách biệt trong lập trường và lợi ích chiến lược”. Khi cuộc xung đột kéo dài với hậu quả nghiêm trọng, các bên đang cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa bình khả thi để đưa Trung Đông thoát khỏi vòng xoáy bạo lực, bảo vệ người dân và các di sản văn hóa của khu vực này.