Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải: “Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là một trong những trụ cột của chính sách dân tộc. Chính vì tính ưu việt của chính sách, nên Quyết định số 2472/QĐ-TTg và Quyết định số 1977/QĐ-TTg cần tiếp tục được triển khai với cách thức tổ chức hiệu quả và thiết thực hơn”. |
Chia sẻ của một Trưởng bản
Vượt qua nhiều con đường nhỏ hẹp, dốc ngược, chúng tôi mới lên tới bản Tin Tốc (xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) - bản cách trung tâm TP. Sơn La khoảng 150 km, với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông.
Căn nhà gỗ của Trưởng bản Vừ Bả Dênh cũng giống như nhiều căn nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc: Thấp, tối vì thiếu ánh điện. Đồ đạc trong nhà khá đơn giản, nghèo nàn. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, có một thứ mà không phải nhà nào trong bản cũng có, đó là những cuốn báo tạp chí nhiều màu, được xếp ngay trên bàn uống nước.
Thấy tôi chăm chú nhìn, ông Dênh cười bảo: Báo Nhà nước cho đấy, nhiều cái hay lắm. Nói rồi, ông giở và chỉ cho tôi xem tấm ảnh nói về người Mông ở Lào Cai trồng quýt, trồng thảo quả cho thu nhập cả trăm triệu đồng/ năm; ảnh người Mông ở Hà Giang trồng hoa tam giác mạch để đón khách du lịch. “Cũng là người Mông ta cả thôi, mà họ giỏi quá!” – ông Dênh tấm tắc.
Ông Dênh kể, cả bản, chỉ có Trưởng bản và người có uy tín được phát những tờ báo này. “Chỗ nào mình chưa đọc được thì nhờ con cháu đọc cho nghe. Mình là Trưởng bản, phải biết để nói lại với bà con. Nhờ các hướng dẫn trên báo, bà con đã biết vì sao phải bảo vệ rừng, biết vận chuyển ma túy là bị tội chết, biết giữ ngô thế nào cho khỏi mốc, khỏi mối mọt”.
Câu chuyện mà Trưởng bản Dênh kể, chúng tôi cũng đã từng được nghe trong những chuyến công tác ở các bản, làng vùng cao. Rõ ràng, với cuộc sống tương đối khép kín ở những bản làng ngẩng mặt là bốn bề núi non bao phủ, những tờ báo, tạp chí đã mở mang cho bà con nhiều thông tin, kiến thức vô cùng quý giá. Là một phóng viên của tờ báo kinh tế, tôi cũng đã nhiều lần vui mừng khi biết ở những nơi cách Hà Nội cả vài trăm km, có nhiều đồng bào đang nhờ chuyên mục phân biệt “Hàng thật – hàng giả” của báo mình để biết đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả. Vui hơn nữa là khi nghe không ít cán bộ thôn, bản chia sẻ: Chúng tôi học trên báo, tạp chí nhiều chứ. Ngồi ở bản, đọc báo, biết được kinh nghiệm sản xuất của mọi miền. Có thông tin gì hay, phù hợp vơi điều kiện địa phương thì lại hướng dẫn bà con làm theo.
Hình ảnh những cuốn báo, tạp chí được nâng niu, chuyền tay nhau đọc ở các trường nội trú, các nhà văn hóa thôn bản... có lẽ là minh chứng rõ nhất cho thấy, đây thực sự là món ăn tinh thần đặc biệt của đồng bào, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Duy trì xuất bản báo chí phát cho đồng bào là cần thiết!
Tại Hội nghị “Tổng kết thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg và Quyết định số 1977/QĐ-TTg” diễn ra ở Hà Nội ngày 22/1/2016, bằng kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về đời sống đồng bào DTTS, ông Hoàng Đức Hậu – Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - khẳng định: Muốn thay đổi đời sống đồng bào thì trước tiên phải thay đổi nhận thức của họ. Thực tế đã chứng minh, báo chí chính là một trong những phương tiện có tác động hiệu quả trong việc giúp đồng bào đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ những phong tục lạc hậu.
Thậm chí, có nhiều lúc, nhiều nơi, đặc biệt là những địa bàn nhạy cảm, việc thiếu và chậm thông tin còn nguy hiểm hơn thiếu gạo. Bởi lẽ việc thiếu thông tin dễ dẫn đến những nhận thức sai lầm về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ những nhận thức sai lầm này, rất có thể sẽ dẫn đến những hành động để lại hậu quả nghiêm trọng. Nói cách khác, việc báo, tạp chí thâm nhập với đời sống sẽ từng bước góp phần trang bị, nuôi dưỡng những tư tưởng tích cực, đúng đắn cho đồng bào DTTS, dần dần hình thành những nếp nghĩ, cách làm tiến bộ, hiệu quả.
Nói như vậy để thấy, cho dù điều kiện nghe nhìn của các vùng miền đã có nhiều thay đổi, nhưng báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 2472 và Quyết định số 1977 vẫn là nhu cầu không thể thiếu của đồng bào. Đây cũng chính là lý do để việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg và Quyết định số 1977/QĐ-TTg giai đoạn 2016-2020 là mong muốn của hầu hết các cấp, các ngành và các cơ quan báo chí đang thực hiện Quyết định này.
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Từ những câu chuyện thực, những tấm gương cụ thể, những bức ảnh sinh động, báo chí đã giúp đồng bào biết cách chuyển đổi từ sản xuất lạc hậu sang hướng sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, kết hợp mô hình VACR. Bà con đã học và làm theo báo, nhiều hộ gia đình đã thực hiện việc trồng cây, nuôi con phù hợp với tình hình thực tế và đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Sự đổi thay ở mỗi vùng đất xa xôi của Tổ quốc có một phần đóng góp không nhỏ từ những trang viết này. Thời gian tới, để đồng bào DTTS ở miền núi, vùng cao, biên giới vững vàng trước những thách thức của hội nhập, không thể xem nhẹ việc cung cấp thông tin một cách bài bản, toàn diện. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện quyết định cấp phát báo miễn phí cho đồng bào, giúp bà con có những thông tin chính thống, nhận thức đầy đủ được vai trò, vị trí của mình; “tự lực tự cường” cùng với các cấp chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo một cách bền vững. Có như vậy, tiếng nói của đồng bào DTTS mới thực sự có ý nghĩa trên diễn đàn truyền thông đại chúng. |