Thời gian qua, giá bất động sản tại một số thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tăng ở tất cả phân khúc, không chỉ chung cư mới mà khu nhà cũ cũng ghi nhận hiện tượng này. Thậm chí, nhiều căn hộ tập thể cũ được sử dụng cả vài thập kỷ như: Khu tập thể 11 Vọng Đức, khu tái định cư Nam Trung Yên (Hà Nội) giá tăng gấp đôi, gấp ba... Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng điều này là phi thực tế và rất "không bình thường".
Nhà cũ, xuống cấp vẫn được rao bán với giá cao
Khu tập thể số 11 Vọng Đức (hay còn gọi là tập thể Điện Cơ cũ), thuộc phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, nằm ở một vị trí được xem là đắc địa bậc nhất Thủ đô, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 500 m. Dù đã xuống cấp trầm trọng sau nhiều thập kỷ kể từ khi xây dựng vào những năm 1960, nhưng giá các căn hộ tại đây vẫn luôn “hot”.
Một căn hộ tại tầng 1 của khu tập thể Vọng Đức có diện tích 30 m2 với mặt tiền 3 m được rao bán với giá 9,8 tỷ đồng. (Ảnh chụp màn hình). |
Mới đây, trên một trang web rao bán bất động sản, một căn hộ tại tầng 1 của tập thể này có diện tích 30 m2 với mặt tiền 3 m được rao bán với giá 9,8 tỷ đồng, tương đương 326,67 triệu đồng/m2. Tại đây, người rao bán giới thiệu nhà có sổ đỏ chính chủ, người mua có thể dùng để kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê với giá 25 triệu đồng/ tháng.
Tuy nhiên, do được xây dựng từ những năm 1960 nên trần nhà bong tróc những mảng lớn lộ cả sắt, thép. (Ảnh: Đình Quyên). |
Bên trong khu tập thể này luôn trong tình trạng thiếu ánh sáng, ẩm thấp. (Ảnh: Đình Quyên). |
Dù được rao bán với giá cả chục tỷ đồng nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, không gian bên trong khu tập thể này luôn trong tình trạng thiếu ánh sáng, ẩm thấp, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Trần nhà bong tróc những mảng lớn lộ cả sắt thép, dây điện chằng chịt dễ gây cháy nổ,… tiềm ẩn nhiều nguy nghiểm cho những cư dân sinh sống tại khu tập thể.
Tương tự, khu tái định cư A6 Nam Trung Yên toạ lạc ở vị trí “đất vàng” của quận Cầu Giấy, dù đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn đang được rao bán với giá rất cao. Theo tìm hiểu của phóng viên, khu tái định cư A6 Nam Trung Yên (thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) gồm 4 tòa nhà cao 11 tầng với 440 căn hộ, được khởi công năm 2003 và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Nhưng chưa đầy 15 năm, 4 toà nhà đã xuống cấp nặng nề và tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm trước.
Khu tái định cư Nam Trung Yên xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: Tuấn Nguyễn). |
Từ phía ngoài toà nhà, nhiều mảng tường bị bong tróc, ẩm mốc,… có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn khiến cư dân sinh sống tại đây không khỏi bất an. Bên trong toà nhà, khu vực thang máy thậm chí còn thường xuyên trục trặc, phải sửa chữa, bảo trì liên tục khiến mọi người ở đây luôn phải sống trong nơm nớp lo sợ (chia sẻ của một cư dân thuộc khu tái định cư Nam Trung Yên).
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Huyền, cư dân sống tại căn hộ ở tầng 2, tòa A6D cho biết bà đã phải chịu đựng cuộc sống khó khăn trong căn nhà xuống cấp suốt nhiều năm qua. Mặc dù đã sửa chữa nhiều lần, nhưng bà Huyền và gia đình vẫn không thể yên tâm khi sống trong những căn hộ đang xuống cấp nhanh chóng dù mới chỉ qua sử dụng. Không chỉ tòa nhà A6D mà tình trạng xuống cấp còn gặp nhiều ở các tòa nhà khác trong cùng khu tái định cư Nam Trung Yên.
Một căn hộ 57,2 m² tại tòa A6D đang được rao bán với giá 4,1 tỷ đồng, tương đương 71,68 triệu đồng/m2. (Ảnh chụp màn hình). |
Dù hạ tầng xuống cấp, các căn hộ tại khu tái định cư Nam Trung Yên vẫn được rao bán với giá khá cao, giao động từ khoảng 60 - 70 triệu đồng/m². Điển hình là một căn hộ 57,2 m² tại tòa A6D đang được rao bán với giá 4,1 tỷ đồng, tương đương 71,68 triệu đồng/m2.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội năm 2023 cho thấy, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 -1994, tập trung tại các quận trung tâm. Hiện nay, các chung cư cũ đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng và độ an toàn.
Do đâu giá nhà bị đẩy lên cao?
Có thể thấy, giá bất động sản thời gian qua tăng một cách chóng mặt khiến dự định mua nhà của người dân phải gác lại sau một thời gian dài vất vả tìm mua chỗ an cư lập nghiệp. Nguyên nhân một phần là do một số hội nhóm đầu cơ, một số nhà đầu tư đã thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý người mua để trục lợi. Đây cũng là bài toán nan giải nếu không xử lý kịp thời thì nhà ở ngày càng xa dời với người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguyên nhân khiến nhiều nhà tập thể cũ trở thành sản phẩm "hot" do nằm tại những vị trí “vàng” tại trung tâm Hà Nội. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở mới khan hiếm nên nhu cầu săn tìm các loại hình nhà ở ngày càng lớn, đặc biệt khu vực các quận nội thành.
Tuy nhiên, ông Đính cảnh báo người mua cần chú ý đến diện tích thực tế và diện tích cơi nới khi mua nhà tập thể. Bởi, nhiều hộ dân đã cơi nới thêm “chuồng cọp” rộng hàng chục m2, điều này có thể gây rủi ro về an toàn cũng như ảnh hưởng đến giá trị đầu tư đối với người mua sau.
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng cho rằng những căn hộ nhà tái định cư hay nhà tập thể cũ thường bị xuống cấp. Do đó, khi mua nhà người mua cần chuẩn bị sẵn tài chính cho việc sửa chữa, cải tạo.
"Người mua cũng nên kiểm tra xem khu nhà có nằm trong diện quy hoạch cải tạo hay xây dựng lại không, để có thể tính toán phương án tối ưu. Đồng thời, trước khi mua nhà cũng nên kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước,… để tránh rủi ro sau này", một chuyên gia địa ốc khuyến nghị.