Món ăn phù hợp với bệnh giãn tĩnh mạch
Bệnh giãn tĩnh mạch xảy ra khi tĩnh mạch bị giãn và máu bị ứ đọng, lưu thông kém. Tĩnh mạch bị giãn sẽ nổi cộm lên da, có màu đỏ hoặc xanh. Vị trí tĩnh mạch bị giãn nhiều nhất là ở cẳng chân. Bên cạnh việc đi bác sĩ điều trị, người bệnh có thể cải thiện triệu chứng bệnh bằng cách ăn uống phù hợp.
Các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau diếp là nguồn cung cấp magiê tuyệt vời |
Người bệnh cần ưu tiên ăn những món sau:
Củ dền: Các nghiên cứu cho thấy ăn củ dền thường xuyên có thể giúp giảm hiệu quả nguy cơ giãn tĩnh mạch. Củ dền chứa một hợp chất tự nhiên gọi là betacyanin. Chính hợp chất này đã tạo nên màu đỏ đặc trưng của củ dền.
Chất betacyanin có tác dụng làm giảm nồng độ homocysteine trong cơ thể. Homocysteine ở mức cao sẽ làm hỏng mạch máu và dẫn đến hình thành cục máu đông.
Gừng: Gừng có tác dụng giảm triệu chứng giãn tĩnh mạch vì một số hóa chất tự nhiên trong gừng giúp tăng lưu thông máu và hòa tan protein fibrin trong mạch máu. Fibrin chính là thành phần chính hình thành cục máu đông.
Nghệ: Nghệ từ lâu đã được y học cổ truyền nhiều quốc gia sử dụng để chữa bệnh. Loại củ này rất giàu chất curcumin, có tác dụng tăng sản xuất oxit nitric. Các phân tử oxit nitric làm giãn mạch máu, nhờ đó thúc đẩy lưu thông máu và cải thiện triệu chứng giãn tĩnh mạch.
Nho: Nho đỏ và tím chứa nhiều chất chống ô xy hóa flavonoid, vitamin và chất oligomeric proanthocyanidins, hay còn được gọi tắt là OPC. Một số nghiên cứu cho thấy OPC có tác dụng làm giảm sưng tĩnh mạch.
Rau lá xanh: Các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau diếp là nguồn cung cấp magiê tuyệt vời. Magiê là loại khoáng chất đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện lưu thông máu. Máu nếu được lưu thông tốt hơn thì có thể cải thiện triệu chứng giãn tĩnh mạch.
Quế: Quế là một loại gia vị có tác dụng điều chỉnh đường huyết hiệu quả ở người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài ra, quế còn có một lợi ích khác là tăng lưu thông máu. Quế đặc biệt có thể giúp các mạch máu giãn ra và lưu thông máu tốt hơn. Điều này đặc biệt có lợi cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần hạn chế các món có nhiều tinh bột trắng, nhiều đường, thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ, rượu bia, món mặn và caffeine. Đặc biệt, ăn mặn sẽ khiến máu trong cơ thể lưu trữ nhiều nước hơn, từ đó là tăng huyết áp. Hệ quả là khiến áp lực ở các tĩnh mạch bị giãn sẽ tăng theo và gây sưng đau.