Mở rộng cánh cửa để Cát Bà thành trung tâm du lịch quốc tế
Trung tâm du lịch quốc tế là mục tiêu mà Cát Bà hướng tới. Quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định không biến Cát Bà thành điểm du lịch đại trà, mà hướng tới định vị giá trị riêng, phát huy thế mạnh thiên nhiên kết hợp đầu tư xứng tầm cho hạ tầng.
Với gần 1 triệu lượt khách ghé thăm trong 5 tháng đầu năm 2024, hòn ngọc Vịnh Bắc Bộ tiếp tục khẳng định vai trò trọng điểm du lịch của Hải Phòng. Nhưng trước mục tiêu lớn, Cát Bà cần giải bài toán phát huy hơn nữa “kho báu” tài nguyên thiên nhiên quý giá đang sở hữu.
Tiềm năng rộng mở
Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn biển, Top vịnh đẹp nhất thế giới do Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) bầu chọn và mới đây nhất là Di sản thiên nhiên thế giới do UNESCO công nhận… Đó là những danh hiệu nổi bật mà quần đảo Cát Bà – vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) đã được trao tặng, đưa tên tuổi của điểm đến này vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và vang danh thế giới.
Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào tháng 9/2023 |
Nhật báo The Sydney Morning Herald của Úc cũng đã hết lời ngợi ca vẻ đẹp Vịnh Lan Hạ tại quần đảo Cát Bà. "Vịnh Lan Hạ lộ diện như một xứ sở thần tiên trên mặt nước vô tận gồm hàng trăm đảo lớn nhỏ, vịnh biển và hệ sinh thái núi rừng đa dạng tạo nên một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú và cực hùng vĩ", tờ báo này miêu tả.
Điều gì khiến cái tên Cát Bà được thế giới đánh giá cao như vậy nếu không phải là những giá trị nổi bật về thiên nhiên mang tầm vóc quốc tế. Là hòn đảo lớn thứ 3 của Việt Nam, Cát Bà cùng gần 400 hòn đảo lớn nhỏ bao quanh tạo nên quần đảo Cát Bà, được ví như chuỗi ngọc xanh giữa vịnh Bắc Bộ. Nơi đây sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp cao
Theo đó, Vườn quốc gia Cát Bà là một trong những vườn quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam. Nơi đây có khoảng 1.600 loài thực vật bậc cao, 63 loài thú, 209 loài chim, 58 loài bò sát, 401 loài côn trùng… Trong đó có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu như trầm hương, voọc Cát Bà, hươu sao, hồng hoàng, đại bàng đầu nâu,...
Nhằm khai thác hết các thế mạnh riêng có của Cát Bà, ngày 2/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định mục tiêu xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế. Có thể nói sau “cú hích” Di sản Thế giới, cơ hội phát triển cho Cát Bà càng rộng mở.
Đề án tổng thể phát triển du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng 2030 cũng xác định cần định vị giá trị riêng cho Cát Bà, phát huy thế mạnh thiên nhiên kết hợp đầu tư xứng tầm cho hạ tầng, phát triển du lịch xanh bền vững gắn với khai thác và bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới, xây dựng thương hiệu du lịch Cát Bà trở thành thiên đường biển đảo đẳng cấp. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng để từng bước định hình trung tâm du lịch quốc tế Cát Bà.
Chờ những cú bứt phá
Những con số thống kê gần đây cho thấy sức hút rất lớn của Cát Bà trong bức tranh du lịch miền Bắc. Sau đại dịch Covid-19, lượng khách đến Cát Bà đã tăng mạnh. Số khách du lịch đến Cát Bà năm 2023 đat khoảng 3 triệu lượt, cao hơn mức kỷ lục đạt được của năm 2019 thời điểm trước đại dịch.
Sức hút này càng được lan tỏa, nếu so sánh với các vùng biển lân cận như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… thì Cát Bà có nhiều ưu thế vượt trội, hướng đến phân khúc du lịch cao cấp, thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, năm 2023, Cát Bà mới đón hơn 510 nghìn lượt khách quốc tế, chưa bằng một nửa so với “người hàng xóm” vịnh Hạ Long vốn có chung tiềm năng và ngang tầm đẳng cấp “di sản thiên nhiên thế giới”. Rõ ràng, dư địa phát triển của Cát Bà còn rất lớn, nếu được quy hoạch bài bản và giải quyết các điểm nghẽn về giao thông, nâng cấp hạ tầng du lịch thì Cát Bà sẽ sớm cất cánh.
Giải bài toán nâng cấp hạ tầng du lịch sẽ giúp Cát Bà sớm cất cánh. |
Hiện nay, Cát Bà đã bước đầu thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn như Sun Group, Flamingo... Tuy nhiên, so với các điểm đến du lịch biển khác như Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang… thì hệ thống cơ sở lưu trú tại Cát Bà còn rất hạn chế, thiếu vắng những thương hiệu nghỉ dưỡng 5 sao đáp ứng nhu cầu của khách hạng sang.
Ngay một bãi biển vốn bị định vị “điểm đến bình dân” của miền Bắc là Sầm Sơn cũng đã lột xác ngoạn mục nhờ sự chung tay của các tập đoàn lớn, tạo nên những sản phẩm du lịch mới mẻ, đẳng cấp và đón cả triệu lượt khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Do đó, nếu Cát Bà chỉ hài lòng với những danh hiệu và thế mạnh hiện có mà không có những bước đột phá mạnh mẽ thì rất khó có thể nâng tầm du lịch, cũng như hiện thực hóa quy hoạch đã được phê duyệt.
Để phát triển du lịch Cát Bà tương xứng với tiềm năng và hướng tới trung tâm du lịch quốc tế, theo TS Nguyễn Hoài Nam (trường ĐH Hải Phòng), cần tập trung nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất du lịch có chất lượng; chú trọng xây dựng các khách sạn cao cấp, khu đô thị hiện đại, các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn và tạo nhiều sản phẩm du lịch độc đáo mang đặc trưng riêng của du lịch vùng biển đảo; ưu tiên phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng sinh thái.
Cát Bà được đề xuất quy hoạch trở thành hòn đảo không khói xe |
Trong đó, rất cần những ý tưởng hiến kế, mở đường để Cát Bà đẩy nhanh quy hoạch sinh thái thông minh theo hướng hạn chế khí thải, ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sống và bảo tồn hệ sinh thái vườn quốc gia Cát Bà. Thậm chí là các kế hoạch táo báo như xây dựng Quy chế quản lý giao thông trên đảo với mục đích không sử dụng các phương tiện giao thông có động cơ đốt trong hoạt động, chỉ sử dụng cáp treo và các loại xe điện làm phương tiện giao thông chủ yếu trên đảo để đưa đón khách du lịch. Đây là đề xuất được đưa ra tại Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng 2017-2020, định hướng 2030 với sự kêu gọi tham gia, phối hợp từ các nhà đầu tư tư nhân.
Câu chuyện vươn tầm quốc tế thành công của Đà Nẵng, Phú Quốc… nhờ thu hút được các nhà đầu tư lớn và kiến tạo các công trình chất lượng – đẳng cấp – khác biệt là những bài học giá trị mà Cát Bà có thể tham khảo trên hành trình vươn mình sắp tới.