Minh bạch: Nền tảng cho sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp
Trong rất nhiều nội dung được thảo luận trong buổi Tọa đàm "Kết nối tạo giá trị trường tồn", trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Sao Đỏ, do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức chiều ngày 18/12, câu chuyện về minh bạch hoá trong quá trình hoạt động của từng doanh nghiệp, doanh nhân nhận được sự quan tâm đặc biệt của các diễn giả và hàng trăm khách mời.
Để có môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch thì mấu chốt là sự minh bạch hoá trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân |
Ngay sau phần khai mạc, rất nhiều doanh nhân đã nêu câu hỏi cho các diễn giả, rằng trong điều kiện tôi, doanh nghiệp của tôi minh bạch nhưng đối tác, thậm chí đối thủ của tôi không minh bạch thì cần cách xử sự như thế nào?
Trả lời câu hỏi rất đáng quan tâm này, diễn giả Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC - nhấn mạnh, minh bạch là yêu cầu bắt buộc phải có của không chỉ doanh nghiệp mà ở cả tầm vĩ mô, từ thể chế đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, trước hết bản thân doanh nghiệp, doanh nhân phải thực sự quan tâm đến vấn đề này và phải minh bạch ngay trong tư duy và phương thức hoạt động. Nói cách khác, doanh nghiệp, doanh nhân, từ nội tại của mình phải minh bạch trước khi đòi hỏi môi trường, đối tác, đối thủ minh bạch.
“Một người tốt sẽ kéo theo nhiều người tốt” - vị diễn giả đến từ Tập đoàn CMC nói và khẳng định, đây cũng sẽ là nền tảng tạo niềm tin cho khách hàng của chính doanh nghiệp.
Cũng bàn về vấn đề minh bạch trong kinh doanh để phát triển bền vững, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - chỉ rõ, trước hết bản thân doanh nghiệp phải xây dựng được nét văn hoá doanh nghiệp mình trong đó nhấn mạnh đến văn hoá của người lãnh đạo, văn hoá trong tổ chức, quản trị, điều hành… của những người lãnh đạo để rồi lan toả đến cán bộ, nhân viên… và đây là giá trị, là cơ sở của sự phát triển trường tồn.
“Nếu chúng ta ngồi đó chờ người khác tốt, minh bạch rồi mình mới tốt, mới minh bạch thì đến bao giờ mới có một hệ sinh thái kinh tế minh bạch?” – Đặt câu hỏi và nhắc đến nội dung cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại”, bà Ngọc Dung đề nghị lãnh đạo Câu lạc bộ Sao Đỏ cần tổ chức thêm nhiều diễn đàn bàn sâu, rộng hơn về vấn đề minh bạch với sự tham gia của không chỉ các doanh nghiệp Sao Đỏ mà cả những đơn vị, tổ chức khác để tạo sự lan toả trong cộng đồng và xã hội.
Trong khi đó, diễn giả Hà Thu Thanh – Chủ tịch HĐQT Deloitte Việt Nam – đơn vị chuyên về lĩnh vực kế toán – kiểm toán – tài chính – cho biết, ngày 14/8/2019, dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam đã xây dựng thành công Bộ quy tắc quản trị công ty, trong đó có nội dung liên quan đến sự minh bạch trong quản trị công ty tư nhân và công ty gia đình với sự nhấn mạnh đến tư tưởng và chiến lược của người đứng đầu. “Trong 10 quy tắc quản trị công ty thì có đến 7 nguyên tắc nói về vai trò của người lãnh đạo mà trọng tâm là sự minh bạch ngay trong chiến lược phát triển và mô hình quản trị” - bà Thanh nói và khẳng định, nếu đạt được điều đó thì có thể ví như “bộ khung” đã vững thì “ngôi nhà doanh nghiệp” chắc chắn sẽ bền vững.
Còn ở góc độ vĩ mô, ông Lê Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Động Lực – phân tích, để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh, Chính phủ, các Bộ, ngành cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn nạn buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng lậu ngay từ đầu nguồn. “Hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng nhái… có giá thành rất thấp nên hàng hoá của doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh” – ông Thành nói và kiến nghị thêm, cần xử lý nghiêm những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và an toàn hơn cho người tiêu dùng Việt Nam.