CôngThương - Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, ngay từ đầu năm 2013 một số tỉnh miền Trung đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Nhiều vấn đề đã được đặt ra…
Tại Đà Nẵng, tại buổi đối thoại vào ngày 1/3 vừa qua giữa hơn 40 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu với lãnh đạo thành phố, các DN kinh doanh xăng dầu cho rằng, ngoài những khó khăn về giá xăng dầu thế giới biến động liên tục tăng thì việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước còn có quá nhiều bất cập, nhất là những quy định giữa DN đầu mối với các đại lý xăng dầu chưa phù hợp với thực tế kinh doanh. Bị kêu nhiều nhất là mức chiết khấu hoa hồng, nhiều đại lý cho rằng quá thấp, khó đảm bảo duy trì việc kinh doanh ổn định. Như ông Nguyễn Văn Hòa, chủ hệ thống kinh doanh xăng dầu Thanh Lương (Thừa Thiên- Huế) cho biết, có thời điểm chiết khấu rất thấp, dưới 200 đồng/lít vừa đủ tiền vận chuyển. Nếu tiếp tục kinh doanh, DN phải bỏ tiền túi ra để trang trải hao phí máy móc, điện, nước, mặt bằng, lương nhân công, lãi suất ngân hàng….
Thừa nhận vấn đề đó, ông Nguyễn Khoa Phong Điền- Phó giám đốc Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế, đơn vị chiếm đến 60% thị phần xăng dầu trên địa bàn- cho biết, công ty luôn đảm bảo nguồn cung cho hệ thống đại lý bán lẻ và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống Petrolimex. Có thời điểm một số cửa hàng phải đóng cửa (8/2012) nghỉ bán là do kinh doanh xăng dầu lỗ, chiết khấu quá thấp.
Nhưng bên cạnh đó phải thừa nhận, việc quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu hiện nay ở một số tỉnh thành miền Trung cũng hết sức bất hợp lý. Nhiều tỉnh thành lấy lý do phải đưa cửa hàng xăng dầu ra xa khu dân cư nên đẩy hầu hết các cửa hàng xăng dầu ra ngoại thành, nhường chỗ cho các khách sạn, cơ sở du lịch, dịch vụ tạo điều kiện cho các cửa hàng xăng dầu “di động” như cột bơm, chai, lọ phát triển.
Đơn cử như ở Đà Nẵng, trên tuyến Quốc lộ 1A phía nam thành phố có đến 8 cửa hàng xăng dầu, phía bắc có tới 22 cửa hàng xăng dầu chen sát nhau trong khi khu vực nội thành lại càng vắng bóng; các quận Hải Châu, Thanh Khê, các khu định cư mới ở Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) tìm đỏ mắt không có lấy một cửa hàng xăng dầu. Do đó, người dân các quận này hầu như phải chen kín tập trung mua tại cửa hàng xăng dầu ngã 4 Quang Trung - Đống Đa…
Cũng trong tình trạng đó, tại Thừa Thiên- Huế toàn tỉnh có khoảng 120 cửa hàng xăng dầu của hơn 60 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhưng Công ty Xăng dầu Thừa Thiên- Huế chỉ có 26 cửa hàng. Tuy nhiên, mạng lưới phân bổ cũng hết sức bất hợp lý. Một số cửa hàng xăng dầu đang ở vị trí hết sức thuận lợi trong việc phân phối cho thị trường lại buộc phải di dời đến những địa điểm nhu cầu rất thấp làm khó cho cả người bán và người mua và tạo điều kiện cho kiểu kinh doanh xăng dầu bằng chai lọ.
Tuy nhiên, việc xử lý các cửa hàng xăng dầu tự phát này nhiều nơi còn xem nhẹ. Mạnh tay như Đà Nẵng năm qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra xử lý xóa 101 cột bơm mini, can nhựa trên địa bàn các quận, huyện. Xử lý nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm như Đại lý xăng dầu Quốc Việt, hộ kinh doanh 130 Nguyễn Duy Hiệu (Giấy phép KD hết hạn), Công ty TNHH Hải Thịnh, Duy Thịnh ký (hợp đồng mua bán cùng lúc với 2 đơn vị đầu mối)…
Phó Chủ tịch UBND TPĐN Phùng Tấn Viết đề nghị, xăng dầu, gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, buộc các DN kinh doanh, bán lẻ xăng dầu phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, thông báo thời gian phục vụ khách hàng, …Các cơ quan chức năng phảixử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá. Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối cần có kế hoạch dự trữ hàng để cung ứng đủ cho hệ thống phân phối trực thuộc; đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.