Miễn, giảm thuế để khuyến khích huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa
Thảo luận về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, đại biểu Bùi Hoài Sơn - đoàn Hà Nội quan tâm về việc miễn, giảm thuế để khuyến khích lĩnh vực văn hóa phát triển.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội |
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, chính sách thuế nói chung, thuế giá trị gia tăng nói riêng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển văn hoá.
Thậm chí ở một số quốc gia trên thế giới, dù không có Bộ Văn hoá nhưng chỉ bằng chính sách động viên, khuyến khích như miễn, giảm thuế mà lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật của họ đã rất phát triển.
Ở nước ta, qua nhiều nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, chúng ta đều thấy điểm nghẽn về thuế trong hỗ trợ, huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá.
Vì vậy, miễn, giảm thuế (hoặc ít nhất là giữ nguyên mức thuế) chính là giải pháp cụ thể, thiết thực và thành tâm mà chúng ta có thể làm để phát triển văn hoá, từ đó tạo điều kiện chấn hưng đạo đức xã hội, phát triển bền vững đất nước từ văn hoá.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, mặc dù, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này đã có một số những chỉnh lý, sửa đổi những vẫn còn có một số bất cập như sau: Thứ nhất, ở khoản 12, Điều 5, nguồn vốn do nhân dân đóng góp, viện trợ nhân đạo cho cơ sở văn hoá vẫn phải chịu thuế.
Như vậy, không khuyến khích được sự đóng góp của các nguồn hỗ trợ cho phát triển văn hóa ở cơ sở. Do đó, Ban soạn thảo dự án Luật nên nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này.
Thứ hai, điểm e, khoản 26, Điều 5, việc tạo điều kiện cho các nhà sưu tập, cá nhân mua cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về, từ đó chứng minh chủ quyền quốc gia về văn hoá, lịch sử, lưu giữ giá trị văn hoá, lịch sử dân tộc là nên khuyến khích. Vì vậy, nên miễn thuế nhập khẩu cho cá nhân. Chỉ đánh thuế khi họ mua bán cổ vật không phải của Việt Nam, ở trong nước hoặc xuất khẩu.
Thứ ba, ở Điều 9, các hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim vốn đã được hưởng thuế suất 5% theo luật thuế hiện hành. Đây là những lĩnh vực giúp nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, xứng đáng được hưởng ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, sau nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, ý kiến của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước là cần ưu tiên phát triển văn hoá, chúng ta lại thực hiện bằng cách ngược lại là tăng thuế lên 10%.
Vì thế, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) xem xét lại nội dung này.
Ý kiến của đại biểu đoàn Hà Nội gợi nhiều suy ngẫm. Thực tế, hầu hết các quốc gia châu Âu đã áp dụng thuế suất đặc biệt cho các tổ chức văn hóa, cá nhân hoặc doanh nghiệp có đóng góp ủng hộ các tổ chức văn hóa hoặc các nhà tài trợ của họ.
Đồng thời, thực hiện khấu trừ thuế VAT đối với một số văn hóa phẩm; khuyến khích cá nhân đóng góp phần trăm thu nhập cho văn hóa; thuế văn hóa, trong đó, tỷ lệ phần trăm trên giá của mỗi văn hóa phẩm và dịch vụ được chuyển thành nguồn thu cho các Quỹ Quốc gia.
Ngành công nghiệp văn hóa đang được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong những năm tới. Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước và đến 2035, đóng góp 8% vào GDP.
Theo đó, cần có sự hỗ trợ về mặt cơ chế và chính sách để ngành này phát triển, nhất là xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.