Miền Đông Nam bộ gồng mình phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Ngày 11/5, tỉnh Bình Phước đã chính thức công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thị trấn Tân Phú và xã Tân Lập thuộc huyện Đồng Phú. Vùng dịch uy hiếp bán kính 3km bao gồm xã Tân Tiến, Tân Hòa và Tân Lợi.
Trước đó, ngày 8/5 chính quyền tỉnh Đồng Nai xác nhận, 4 ổ dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 điểm thuộc xã Bình Minh và xã Đồi 61 thuộc huyện Trảng Bom; 2 điểm tại xã Phước Thiền và xã Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch. Các ổ dịch ở Đồng Nai đều xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Tại Bình Phước, sau khi phát hiện dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã khoanh vùng dịch bệnh, tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, kiểm soát chặt khâu vận chuyển gia súc, nhất là khu vực có dịch bệnh. Tại Đồng Nai, khi phát hiện dịch, các cơ quan chức năng đã tập trung dập dịch ngay tại chỗ, tiêu hủy toàn bộ lợn bệnh; tổ chức lập 23 trạm kiểm dịch để kiểm soát dịch bệnh.
Sau khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Nai và Bình Phước, các tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương cũng đã tăng cường công tác phòng chống dịch, trong đó tập trung siết chặt khâu vận chuyển lợn từ vùng này đến vùng khác.
Tại tỉnh Bình Dương, các cơ quan chức năng đã thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch tạm thời là chốt Cầu Tham Rớt (huyện Bàu Bàng) và Cầu Thủ Biên (huyện Bắc Tân Uyên) để kiểm dịch 24/24 giờ. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn đang được các cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt. Riêng thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là các địa phương giáp ranh với tỉnh Đồng Nai đã được lập thêm các chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai hiện mỗi ngày cung cấp từ 40 - 50% số lượng lợn giết mổ tại thành phố và các tỉnh lân cận. TP. Hồ Chí Minh hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với trên 274.000 con, trong đó 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các quán ăn, nhà hàng; 11 cơ sở giết mỗi đêm giết mổ 6.500-7.000 con lợn cùng với một lượng lớn lợn từ miền Bắc “quá cảnh” qua địa bàn nên khả năng lây dịch bệnh là rất cao.
Nguồn lợn vận chuyển giữa các vùng là khâu đang được các tỉnh miền Đông Nam bộ kiểm soát chặt vào thời điểm này |
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hồ Chí Minh cho biết, đầu tháng 5/2019, Chi cục đã hợp tác với ngành thú y các tỉnh giáp ranh và thống nhất một số biện pháp phối hợp chống dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, không cấp giấy kiểm dịch cho sản phẩm thịt lợn từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng có dịch; trao đổi, cập nhật thường xuyên diễn biến dịch tả lợn châu Phi; giám sát chặt chẽ nguồn lợn đưa về thành phố; yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch thể hiện nguồn gốc ghi rõ tên chủ hộ nuôi, nguồn gốc 3 cấp xã, huyện, tỉnh; thống nhất tuyến đường vận chuyển…
Ngoài hàng chục trạm kiểm dịch đồng vật đã có, ngành thú y thành phố đã lập thêm 2 chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực cầu Phú Cường và cầu Bến Súc, giáp ranh với tỉnh Bình Dương; thành lập đoàn kiểm tra lưu động kiểm tra khu vực cầu Tân Thái, giáp ranh với tỉnh Long An và các tuyến đường giáp ranh với tỉnh Tây Ninh. Tại tuyến quốc lộ 22, Đoàn liên ngành phòng chống dịch số 1 của thành phố phụ trách. Quận 12 thành lập chốt kiểm dịch tạm thời ở khu vực cầu Phú Long, giáp ranh với tỉnh Bình Dương.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khả năng xảy ra dịch tả lợn châu Phi ở thành phố là rất cao, vì thế việc phòng chống dịch phải được các ngành, các cấp quan tâm đặc biệt. Công tác phòng chống dịch bệnh là công việc vừa khẩn cấp nhưng vừa lâu dài, điều quan trọng là không để người dân hoang mang. Ông Liêm chỉ đạo, quận huyện nào để xảy ra giết mổ trái phép cần xem lại trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý địa bàn, làm ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm và những người làm ăn chân chính.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dịch tả lợn châu Phi đã tiếp cận sát địa bàn thành phố, các cơ quan chức cần kiểm soát chặt tình trạng giết mổ trái phép, quản lý tốt tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, các cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi, loại dịch bệnh không lây sang người để người dân ủng hộ lợn sạch, có nguồn gốc rõ ràng.