Ảnh minh họa |
Trong đó, tồn kho đường trắng 337.000 tấn, đường tinh luyện 313.000 tấn, đường vàng thô gần 67.000 tấn. Đã vậy, hiện vẫn còn 21/38 nhà máy đường đang tiếp tục sản xuất, lượng đường tồn kho chắc không dừng ở những con số đó.
Đây là điều bất bình thường so với năm 2016 (tồn kho 500.000 tấn) và nhiều năm gần đây. Vì sao vậy? Nguyên nhân có nhiều.
Trước hết, trăm lý do đổ đầu... buôn lậu, gian lận thương mại. Cả VSSA và các doanh nghiệp mía đường đều khẳng định: Buôn lậu đường đang hoành hành, gian lận thương mại chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến việc tiêu thụ đường của các nhà máy rất chậm. Sự khẳng định này đúng nhưng hình như chưa đủ.
Giới am hiểu thị trường nhận xét rằng, ngoài buôn lậu, gian lận thương mại, có thể còn có một nguyên nhân khác: Liệu có chuyện doanh nghiệp tích trữ, găm hàng, chờ giá lên cao?
Sở dĩ có sự “tồn nghi” đó bởi trong năm 2016 đã có hiện tượng khan hiếm giả tạo và giá đường được đẩy lên cao.Không ít doanh nghiệp sản xuất sữa, bánh kẹo, nước giải khát khi đó đã phản ánh với các cơ quan quản lý tình trạng không mua được đường để sản xuất và đề nghị cho nhập khẩu đường. Liệu năm 2017 có tái diễn kiểu chơi “đầu cơ” đó không?
Nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ một chữ: Giá.
Không nói tới chuyện giá đường lậu thấp hơn khá nhiều so với giá đường trong nước, khoảng 600- 1.400 đồng/kg (đầu tháng 5/2017), bởi nếu không thì chẳng có chuyện nhập lậu đường. Cái gốc ở đây là bao nhiêu năm qua, giá đường Việt Nam luôn cao hơn giá đường các nước trên thế giới.
Một trang web dẫn nhiều nguồn dữ liệu (International Sugar Organization; Thomson Reuters Datastream; World Bank) cho thấy giá đường thế giới đạt đỉnh 11.145 đồng/kg (22.28 UScents/lb) hồi tháng 10/2016 và chạm đáy 7.758 đồng/kg (15.51 UScents/lb) vào tháng 5/2017. Trong khi đó, giá bán buôn đường của các nhà máy đường ở Việt Nam chưa xuống dưới 16.000 đồng/kg và giá bán lẻ đường trên thị trường luôn trong khoảng 18.000-21.000 đồng/kg.
Giá đường cao chính là hệ lụy từ chuỗi “vấn đề” đã được cảnh báo từ lâu: Nguyên liệu mía năng suất thấp, chất lượng kém. Công nghệ chế biến đường lạc hậu. Chi phí lớn, giá thành cao... Và rồi cảnh báo cũng chỉ để... cảnh báo mà thôi.
Chuyện “đổi mới hay là chết” đối với doanh nghiệp mía đường đã được đặt ra khá “nóng” từ nhiều năm trước, đến nay vẫn còn nguyên độ “nóng”. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi lượng đường tồn kho tăng cao tới mức kỷ lục.