Mẹ bị tiểu đường ảnh hưởng đến thai nhi thế nào?
Những nguy cơ cho trẻ khi mẹ bị tiểu đường
Rất nhiều trường hợp mẹ bị tiểu đường thai kỳ vẫn có thể sinh con khỏe mạnh. Đa phần, ở những trường hợp này, mẹ được phát hiện và can thiệp sớm bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện, đồng thời được cho dùng thuốc để giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu.
Mẹ tiểu đường thai kỳ cần theo dõi đường huyết thường xuyên. Ảnh: Suckhoe123 |
Tuy nhiên, mẹ bị tiểu đường vẫn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi nếu không được điều trị.
Quá nhiều đường và insulin trong máu có thể làm cho thai nhi bị thừa cân. Ngoài ra, khi mang thai và trong giai đoạn chuyển dạ, nếu chỉ số đường huyết cao sẽ khiến bé có nguy cơ cao bị hạ đường huyết sau khi sinh.
Những triệu chứng thường gặp khi trẻ gặp phải tình trạng hạ đường huyết sau sinh: Khóc yếu hoặc khóc thét; tay chân mềm oặt; lừ đừ hoặc ngủ gà; có vấn đề hô hấp; da xanh; bú khó khăn; mắt đảo; co giật…
Ngoài ra, mẹ bị tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến tim và phổi của thai nhi. Nồng độ đường huyết của mẹ không được kiểm soát tốt sẽ khiến chức năng tim và việc hô hấp của bé ảnh hưởng. Thêm vào đó, đái tháo đường thai kỳ đôi khi sẽ làm cơ tim của bé dày lên, làm bé phải thở nhanh hơn và không thể lấy đủ oxy vào máu.
Mẹ mắc tiểu đường sinh con có nguy cơ gặp hội chứng suy hô hấp cao hơn 5 – 13% so với bình thường. Mức đường huyết cao ở thai kỳ có thể gây ra tình trạng kích thích sản sinh insulin ở trẻ. Từ đó, dẫn đến tác động làm chậm quá trình hấp thu dịch phế nang và hoàn thiện chức năng phổi, gây khó khăn cho trẻ trong việc thích nghi với môi trường ngoài tử cung sau khi sinh.
Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh có thể gây thiếu oxy, khó hô hấp và nghiêm trọng hơn là viêm phổi, suy hô hấp cấp tính, tử vong. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học hiện đại, bác sĩ có thể đánh giá sự trưởng thành của phổi để can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo nghiên cứu tỷ lệ trẻ sơ sinh có mẹ tiểu đường thai kỳ mắc bệnh đa hồng cầu (tăng hồng cầu) là 9.33%. Đa hồng cầu có thể gây ra tình trạng tăng độ nhớt của máu, tăng tiêu thụ oxy và làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu nhỏ, giảm tưới máu mô… Những điều này sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa và chức năng nhiều hệ cơ quan trong cơ thể của trẻ như tim, phổi, thận…
Các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đến mẹ và bé
Tiểu đường thai kỳ thường không gây ra các triệu chứng rõ rệt. Hầu hết trường hợp được bác sĩ phát hiện khi lượng đường huyết cao trong quá trình sàng lọc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Một số thai phụ có thể xuất hiện các triệu chứng sau khi đường huyết của họ tăng quá cao: Khát nước nhiều, liên tục; tiểu nhiều; khô miệng; mệt mỏi; mờ mắt…
Việc kiểm soát đường huyết ổn định là biện pháp làm giảm rủi ro về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Do đó, mẹ tiểu đường thai kỳ cần theo dõi đường huyết thường xuyên. Mẹ bầu có thể sử dụng thiết bị đo đường huyết tại nhà để tự kiểm tra đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường mức đường huyết an toàn là dưới 95 mg/dL lúc đói, dưới 120 mg/dL sau ăn hai giờ. Mẹ cần thường xuyên đo và theo dõi đường huyết để đảm bảo rằng mức đường trong máu đang ở mức ổn định.
Nếu mẹ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc, việc tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng là rất quan trọng để kiểm soát đường huyết trong mức ổn định.
Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đó là thực hiện chế độ ăn đa dạng, lành mạnh, tăng cường tiêu thụ rau củ, thực phẩm giàu chất xơ, protein nạc, Vitamin, khoáng chất và chất béo lành mạnh, hạn chế thực phẩm có đường và tinh bột cao.
Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi có thể thai phụ không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết giúp đưa đường từ máu vào trong tế bào sử dụng hoặc có bất thường trong việc sử dụng insulin. Những người nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ gồm: Đa thai; mang thai sau 35 tuổi; tăng huyết áp thai kỳ; hội chứng buồng trứng đa nang; đường niệu (glucose niệu) dương tính. |