![]() |
Cơ quan chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ |
Tràn ngập hàng giả
Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Xuân Bính - Phó Trưởng phòng Phòng chống hàng giả (Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) - cho biết, thủ đoạn vi phạm hàng giả, xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi. Các đối tượng vi phạm thường chia tách các công đoạn để tránh bị phát hiện hoặc kinh doanh, vận chuyển trà trộn với hàng thật. Bên cạnh đó, các đối tượng trong nước còn móc nối với nước ngoài để đặt hàng sản xuất, gia công, lắp ráp, phân phối hàng giả.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện 925 vụ giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì với trị giá lên tới hơn 4,52 tỷ đồng, số tiền xử phạt trên 5,543 tỷ đồng; 222 vụ vi phạm giả mạo về tem, nhãn bao bì hàng hóa trị giá trên 5,39 tỷ đồng, số tiền xử phạt trên 743 triệu đồng; xử phạt 195 vụ xâm phạm quyền SHTT với trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,66 tỷ đồng, số tiền xử phạt trên 1,4 tỷ đồng.
Thượng tá Nguyễn Hữu Cừ cho hay, 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện 286 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT. Trong đó, đã khởi tố 49 vụ hàng giả, xâm phạm SHTT phần lớn sản xuất ở nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) sau đó được đưa vào Việt Nam để gắn nhãn mác giả và tiêu thụ. Đáng nói hơn, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT xảy ra với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các loại hàng hóa có giá trị cao.
Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh
Ông Cừ cho rằng, việc xử lý vi phạm SHTT theo pháp luật hiện hành tuy có 3 biện pháp dân sự, hành chính, hình sự nhưng việc quy định về trình tự, thủ tục thực hiện của các biện pháp chưa đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, thời gian kéo dài. Trên thực tế, một hành vi vi phạm từ khi bị phát hiện đến khi có quyết định xử lý mất thời gian khá dài, do đó không bảo đảm tính kịp thời trong tuyên truyền, giáo dục cũng như trong công tác phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm tương tự.
“Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về SHTT đang thiếu về số lượng, nội dung chưa đầy đủ, còn có nhiều kẽ hở dễ bị các đối tượng vi phạm lợi dụng” - ông Cừ chia sẻ.
Đồng quan điểm này, ông Bính khẳng định, chế tài xử lý vi phạm hiện chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự, xử lý dân sự ít. Nhiều cơ quan thực thi nhưng phân công chưa phù hợp, chồng chéo. Bên cạnh đó, năng lực của lực lượng chuyên trách về thực thi SHTT, chống hàng giả, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện cho công tác này còn nhiều hạn chế.
Tại tọa đàm, luật sư Lê Xuân Lộc - Công ty Luật T&G - nhận đinh, mức xử phạt hiện nay còn nhẹ, theo quy định của pháp luật, hiện chế tài xử phạt bằng tiền cao nhất trong lĩnh vực SHTT không quá 500 triệu đồng. Trong rất nhiều vụ việc khác nhau, giá trị và khối lượng vi phạm còn lớn hơn mức xử phạt. Do đó, trong những trường hợp nhất định, có thể không đưa ra mức giới hạn tối đa, mà nên căn cứ vào giá trị thực, mức độ càng nghiêm trọng thì xử phạt càng lớn.
Luật sư Lê Xuân Lộc - Công ty Luật T&G: Trong những trường hợp nhất định, có thể không đưa ra một mức giới hạn tối đa mà nên căn cứ vào giá trị thực, mức độ càng nghiêm trọng thì xử phạt càng lớn. |