Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về nợ xấu, tín dụng bất động sản? Nợ xấu "chực chờ" khiến lợi nhuận ngân hàng kém "sáng" 6 tháng đầu năm, VietinBank tăng tổng tài sản 2,6%, nợ xấu ở mức 1,1% |
Nợ xấu tăng 37% trong 6 tháng
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nợ xấu của hầu hết các ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh. Đáng chú ý, nợ nhóm 2 (nhóm nợ cần chú ý - có nguy cơ chuyển sang nợ xấu) tăng đột biến trong những tháng đầu năm, nhưng đã có dấu hiệu cải thiện hơn ở quý II/2023.
Tổng hợp số liệu từ Báo cáo tài chính quý II/2023 của 27 ngân hàng thương mại, tổng nợ xấu (nhóm 3-5) là khoảng 187.475 tỷ đồng, tăng 10% so với quý trước và tăng 37,4% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ nhóm 2 toàn ngành Ngân hàng thời điểm cuối quý I/2023 tăng đến 45% so với cuối năm 2022; tại quý II/2023, xu hướng vẫn tăng nhưng tốc độ tăng đã thu hẹp hơn.
Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) toàn Ngành lại suy giảm mạnh trong một năm trở lại đây, từ mức 143% xuống 99,4%.
Theo Báo cáo ngành Ngân hàng năm 2023 của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ trung bình của các ngân hàng niêm yết đang ở mức 2% (tăng 20 điểm cơ bản so với quý trước), vẫn dưới mức trần 3% nhưng cũng là con số đáng cảnh báo ở thời điểm kinh tế khó khăn, tín dụng tăng trưởng thấp.
Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính các ngân hàng cho thấy, bức tranh nợ xấu có sự phân hóa khá mạnh. Nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng tại đa số nhà băng. Hiện chỉ còn 2 ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 1%, là Bắc Á Bank (0,7%) và Vietcombank (0,8%).
Số ít ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu quanh ngưỡng 1% chỉ gồm ACB, Techcombank, ngoài ra có Vietinbank (1,3%), MB (1,4%), BIDV (1,6%)… Khi tỷ lệ nợ khó đòi tăng cao trên diện rộng sẽ dẫn đến rủi ro hệ thống liên ngân hàng và nghiêm trọng hơn có thể gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính. Riêng NCB vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống.
Vietcombank là ngân hàng tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống, đạt 387% và tăng 70% so với cuối năm 2022, đứng sau là các ngân hàng: Vietinbank, MBBank, BIDV, Techcombank… Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là “đệm đỡ” cho ngân hàng trước rủi ro nợ xấu.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nợ xấu của hầu hết các ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh |
Theo các chuyên gia, ngân hàng nào càng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao thì lợi nhuận sẽ ít bị ảnh hưởng bởi nợ xấu hơn và ngược lại. Vì khi không thể thu hồi được nợ, ngân hàng chỉ cần trích lập dự phòng ra để cấn trừ vào khoản nợ đó.
Trong khi nợ xấu tăng nhanh và bao phủ nợ xấu giảm mạnh, thì thị trường mua bán nợ vẫn chưa có nhiều tiến triển. Theo ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), sau gần 2 năm thành lập, Sàn giao dịch nợ VAMC đã có 194 khách hàng đăng ký thành viên. Đến nay, 20 tổ chức tín dụng và chi nhánh tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng nguyên tắc với sàn.
Đến ngày 31/7/2023, có 17 tổ chức tín dụng và chi nhánh tổ chức tín dụng phối hợp với VAMC đăng thông tin khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu lên website của sàn, với số lượng 605 khoản nợ xấu, giá trị 42.408 tỷ đồng; 466 tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, giá trị 1.589 tỷ đồng.
“Ngoài ra, sàn đã thực hiện 16 hợp đồng tư vấn, trong đó 10 hợp đồng tư vấn khoản nợ xấu với giá trị 376 tỷ đồng, 6 hợp đồng tư vấn tài sản đảm bảo với giá trị 408 tỷ đồng, thu phí dịch vụ 527 triệu đồng. Thêm vào đó, sàn giao dịch nợ xấu đang phối hợp với tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư thực hiện môi giới mua bán khoản nợ xấu tại một số tổ chức tín dụng như NamABank, NCB”, ông Hùng cho biết.
Mặc dù sàn mua bán nợ bước đầu được khởi động, song con số giao dịch thành công quá nhỏ bé so với quy mô nợ xấu ước khoảng 25 tỷ USD. Việc mua nợ theo giá trị thị trường đạt kết quả rất thấp. Lũy kế từ năm 2017 đến ngày 31/7/2023, VAMC mới mua được khoảng 13.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường và đã xử lý trên 11.000 tỷ đồng.
Mở cửa thị trường đúng nghĩa
Hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC từng được kỳ vọng là tâm điểm để kích thích sự phát triển thị trường mua bán nợ, đồng thời góp phần khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này không diễn ra sôi động như kỳ vọng.
Theo lý giải của VAMC, nguyên nhân là vốn điều lệ của Công ty quá nhỏ bé (5.000 tỷ đồng) so với quy mô tổng nợ xấu thị trường lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Điều đó khiến tổ chức này đề nghị được tăng vốn và tạo thêm cơ chế vốn để có thể tham gia nhiều hơn thị trường mua bán nợ.
Vừa qua, VAMC đề xuất với Ngân hàng Nhà nước một số giải pháp tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường. Cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để VAMC tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng theo lộ trình tại Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
“Ngoài ra, cho phép VAMC được phát hành trái phiếu có lãi suất để mua nợ theo giá thị trường. VAMC cũng đề xuất với các cơ quan chức năng nhiều giải pháp để phát triển thị trường mua bán nợ”, ông Đỗ Giang Nam, Thành viên HĐTV VAMC chia sẻ.
Nhận xét về hoạt động xử lý nợ xấu của Việt Nam, ông Darryl Dong, cán bộ Quốc gia cao cấp, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) Việt Nam cho rằng, nợ xấu không xấu và đồng hành cùng hoạt động ngân hàng, nên cần một khung pháp lý để làm sạch và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa. Tuy Việt Nam đã bàn nhiều đến vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường, chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC. Việt Nam vẫn nằm ở "vạch xuất phát" trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Theo chia sẻ từ chuyên gia IFC Việt Nam, nhiều quốc gia trong khu vực đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng. Philippines còn khuyến khích bằng tiền mặt trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu... Nhưng ông Darryl Dong một lần nữa nhấn mạnh, Việt Nam có thể không cần công cụ đặc thù kiểu như vậy nhưng cần mở cửa thị trường.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài tới giải quyết hỗ trợ nợ xấu. Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu. “Nút chặn” khiến các nhà đầu tư kém mặn mà là không thể chuyển giao được quyền sở hữu tài sản đảm bảo sau khi mua nợ xấu. Vì thế, Việt Nam có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước. Điều này sẽ tạo ra khung pháp lý hiệu quả, công bằng, sẽ mở ra một ngã rẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, giải pháp căn cơ nhất, hiệu quả nhất để xử lý nợ xấu lâu dài là phải phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Đồng thời, phải có các quy định tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, ví dụ cho ngân hàng bán nợ xấu với giá trị chỉ 20-30% như ngân hàng nhiều nước đang làm, hoặc cho phép ngân hàng xoá nợ nếu họ có đủ khả năng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang bán nợ xấu như giá “nợ tốt” hoặc không dám bán nợ xấu với giá thị trường vì lo ngại trách nhiệm.
Từ trước đến nay, việc xây dựng một luật riêng cho xử lý nợ xấu được nhiều chuyên gia khuyến nghị, nhưng với các quy định về xây dựng pháp luật như hiện nay thì sẽ không khả thi về mặt thời gian, trong khi đây là vấn đề "gấp gáp" của nền kinh tế. Do vậy, các chuyên gia và ngân hàng kỳ vọng, việc đưa vào một chương về xử lý nợ xấu trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là hợp lý, nhưng cần tính toán một cách toàn diện, với những quy định có thể thực thi được. Đặc biệt, cần lưu ý quan hệ tương thích với các quy định khác của pháp luật, nhất là các quy định về phá sản.