Tại hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, lãnh đạo các ngân hàng đã kiến nghị các giải pháp giảm lãi suất cho vay, xử lý nợ xấu, gỡ khó cho bất động sản, tăng khả năng tiếp cận tín dụng...
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với thực trạng nền kinh tế.
Ông Hùng đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với thực trạng nền kinh tế, vì vậy trong bối cảnh Cục Dự trữ liêng bang Mỹ liên tục tăng lãi suất song Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành từ 0,5-2%/năm, các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng được thông suốt, tỷ giá ổn định góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Theo ông Hùng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các tổ chức tín dụng cùng đồng thuận giảm lãi suất huy động trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dành 120.000 tỷ đồng đầu tư cho nhà ở xã hội góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản…
Bên cạnh đó, chủ động và tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; chú trọng nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số.
Về hoạt động của các tổ chức tín dụng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng chủ động ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nghiêm túc thực hiện cam kết giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam từ đó lập lại mặt bằng chung lãi suất huy động và trên cơ sở năng lực tài chính giảm lãi suất dư nợ hiện hữu cũng như những khoản cho vay mới từ 0,5-3%/năm
Năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại được củng cố; chất lượng quản trị, điều hành được nâng cao, đến nay có 25 ngân hàng đủ điều kiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới với tổng vốn mới lên đến hơn 743.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng thương mại chuyển đổi số ở top đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, 95% các ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số.
Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) |
Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Hỗ trợ doanh nghiệp người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo ông Tú, thực hiện chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm BIDV đã đưa ra các giải pháp:
Thứ nhất, BIDV rà soát thủ tục cấp tín dụng, đơn giản hoá và áp dụng công nghệ vào quy trình cấp tín dụng, tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật số hoá, đặc biệt xây dựng cơ chế cấp tín dụng theo phương thức phương tiện điện tử…
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng cơ chế chương trình riêng cho từng đối tượng khách hàng, triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Thứ ba, thu hút các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay (cả cho vay mới và vay cũ),
Thứ tư, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai các chương trình kết nối kết hợp tư vấn, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ…
Trong 6 tháng đầu năm, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5%/năm - 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1%/năm - 1,5%/năm.
Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) |
Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB): Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho tín dụng bất động sản
Lãnh đạo MB đề xuất Quốc hội và Chính Phủ cần luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất, tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án cho chủ đầu tư.
Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh: Tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc về pháp lý, thủ tục cho các dự án. Đặc biệt các doanh nghiệp có nhiều dự án dang dở, ưu tiên các dự án có tỷ lệ hoàn thiện xây dựng cao để hoàn thiện sản phẩm bàn giao nhà cho người dân.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, thực hiện các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững;
“Phân nhóm bất động sản để có chính sách quản lý và phát triển phù hợp. Ưu tiên nhà ở thu nhập thấp, bất động sản khu công nghiệp… cần có chính sách ưu tiên, còn bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng mang tính chất đầu tư cần quy hoạch, quản lý riêng để phát triển ổn định và bền vững”, Tổng giám đốc MB chia sẻ.
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) |
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank): Tái cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.
Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Theo đó, 9/10 mục tiêu cơ bản tại phương án của Ngân hàng đã hoàn thành vượt mức, trừ mục tiêu tăng vốn điều lệ không đạt.
Liên quan đến vấn đề xây dựng và triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, ông Ấn thông tin, thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Agribank đã xây dựng và trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; trong đó tập trung vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở phương án đã xây dựng Agribank đã chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại, đến 30/6/2023, Agribank cơ bản đạt và vượt tiến độ mục tiêu đã đề ra.
Mặc dù đã có những kết quả khả quan nhưng ông Ấn cho biết, còn đúng một nửa thời gian để thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2021-2025, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Agribank xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Một là, về nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dầu Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Hai là, sự phát triển công nghệ, số hóa trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra với tốc độ rất nhanh, các công ty fintech vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh và các ngân hàng thương mại cổ phần sẵn sàng đầu tư nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ một cách mau lẹ để chiếm ưu thế so với ngân hàng thương mại nhà nước (do trình tự, thủ tục đầu tư các dự án về công nghệ mất rất nhiều thủ tục và thời gian).
Ba là, về đảm bảo vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II vẫn là thách thức lớn mặc dù Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023. Tuy nhiên, với số vốn tăng thêm này cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Agribank đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung thêm vốn điều lệ.
Cũng theo Chủ tịch Agribank, trong thời gian chống chọi với Covid-19, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn, chính sách cấm vận, cạnh tranh chiến lược kéo dài, đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, sức cầu cả trong nước và quốc tế giảm thấp, hàng tồn kho tăng cao, quan hệ kinh tế, thương mại suy giảm nghiêm trọng.
Chủ tịch Agribank nêu quan điểm: “Trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank): Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Theo ông Vinh, các Thông tư 02, Thông tư 03, Nghị định liên quan đến trái phiếu, gần đây nhất là các quy định về việc nới lỏng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng lên tới 14-15%… đã gỡ khó cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng. Điều này giúp chúng ta hi vọng sẽ có những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong thời gian tới.
Ông Vinh cho biết, VPBank rất hưởng ứng các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nếu so sánh với đỉnh cao của thanh khoản vào cuối năm ngoái và đầu năm nay lãi suất huy động lên tới 10% thì đến nay đã giảm, ngân hàng cũng chấp nhận giảm lợi nhuận của mình để phấn đấu giải lãi suất cho vay
“Cũng như các ngân hàng khác, VPBank cũng đang tiếp tục triển khai các điều kiện để tăng thêm mức tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung. Ngoài nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để nâng cao sức khỏe cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà đầu tư, quyền và lợi ích của ngân hàng, đồng thời bảo vệ tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ về đầu tư, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng…”, ông Vinh khuyến nghị.