Như Báo Công Thương thông tin, tối 12/6, hàng loạt các fanpage, người dùng trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin Salon tóc 1900 Hair Salon đã nhận 700 bộ tóc của người dân hiến tình nguyện cho bệnh nhân ung thư nhưng chỉ trao 50 bộ làm từ thiện, số còn lại mang bán với giá cao.
Những thông tin này đã gây hoang mang dư luận, bởi 1900 Hair Salon là một cái tên khá nổi tiếng trong ngành.
Trước thông tin trên, phía 1900 Hair Salon cho biết, đây là những thông tin không đúng sự thật và đã làm đơn, phối hợp với luật sư để làm rõ vụ việc. Ngoài ra còn khẳng định, số tóc nhận được từ trước tới nay đều đã trao tận tay bệnh nhân ung thư, tổ chức thiện nguyện.
Thông tin 1900 Hair Salon bán gần 700 bộ tóc từ thiện tràn lan trên mạng là sai sự thật - Ảnh: Đoàn Tuấn |
Không chỉ có vậy, phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, nơi diễn ra chương trình trao “Tóc từ thiện cho bệnh nhân ung thư” cũng cho biết, đã tiếp nhận tổng cộng 703 bộ tóc được hiến tặng từ các tình nguyện viên.
Tại buổi lễ trao tặng tóc cho bệnh nhân ung thư, Bệnh viện và đại diện salon đã trao tặng 50 bộ tóc cho người bệnh. Số bộ tóc còn lại hiện đang được Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh quản lý, chờ bàn giao cho Quỹ Ngày mai tươi sáng.
Xung quanh lùm xùm này, Luật sư Trần Văn Quyết - Công ty Luật TNHH PSSLAWYERS cho biết, việc trao tặng tóc cho bệnh nhân ung thư là hoạt động rất có ý nghĩa cần được ủng hộ. Tuy nhiên ở cụ thể vụ việc này, trước những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội, dưới góc độ pháp lý cần xem xét chính xác có hay không hành vi tung tin sai sự thật, và mức độ gây thiệt hại tới tổ chức, cá nhân khác.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong số hơn 700 bộ tóc được hiến tặng đã trao tặng bệnh nhân 50 bộ, số còn lại đang quản lý. |
Luật sư Trần Văn Quyết nói, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cơ quan chức năng có thể vào cuộc xem xét xử lý theo hình sự hoặc xử phạt hành chính.
Cụ thể, hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với “tội làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì áp dụng khoản 1, Điều 155 với hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ áp dụng Khoản 2, Điều 155 phải chịu khung hình phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, trường hợp bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì phạm “tội vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm; Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội vu khống sẽ chịu khung hình phạt tù từ 01 đến 03 năm theo Khoản 2, Điều 156.
Về xử lý hành chính, Luật sư Trần Văn Quyết cho biết, đối với các hành vi mà Bộ luật Hình sự chưa quy định là tội phạm hoặc các hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP nếu tổ chức có hành vi đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, nếu là cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới độc giả.