Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2014
- Khi nào sẽ thu hồi đất?
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, ông Nguyễn Văn Giàu – Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Về vấn đề thu hồi đất, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và chỉnh lý Điều 62 của dự thảo luật. Theo đó, Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau: Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất; thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm: Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao…
Với 448 đại biểu đồng ý, 20 vị không tán thành và 5 không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), gồm 14 chương, 212 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. |
Bên cạnh đó, thu hồi đất sẽ được tiến hành trong trường hợp thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi như: Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương; công trình giao thông, thủy lợi; công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên; dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép…
Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cưỡng chế để áp dụng thống nhất trong cả nước vì đây là vấn đề phức tạp và có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 71 của dự thảo luật.
Thiệt hại do trưng dụng đất sẽ được bồi thường
Trước ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể trong luật về việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và bổ sung khoản 7 Điều 72: Việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra thực hiện theo quy định sau: Người có đất được bồi thường thiệt hại trong trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại; thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra.
Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán. Đối với trường hợp thu nhập của người có đất bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất. Mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra trên cơ sở văn bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Căn cứ vào mức bồi thường thiệt hại do Hội đồng xác định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định mức bồi thường. Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả đất.
Nguyễn Hải