Thứ năm 24/04/2025 17:26

Luật 57/2024/QH15: Tăng minh bạch, tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong đầu tư

Những điểm mới của Luật 57/2024/QH15 sửa đổi các quy định về quy hoạch, đầu tư, PPP, đấu thầu, tạo hành lang pháp lý minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư.

Động lực hoàn thiện môi trường đầu tư

Sáng ngày 24/4, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Luật số 57/2024/QH15 của Quốc hội và những chính sách mới về hoạt động đầu tư”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức.

Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh(ITPC), nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đạo luật này trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy cải cách thể chế và hoàn thiện môi trường đầu tư. Với trọng tâm sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu, Luật số 57 tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, hướng đến mục tiêu minh bạch, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Hội thảo không chỉ cung cấp thông tin chuyên sâu mà còn giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư xoay quanh các nội dung mới như: phân quyền cho UBND cấp tỉnh, cơ chế hỗ trợ đầu tư, điều chỉnh quy hoạch rút gọn và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu. Đại diện ITPC cho rằng, những cải cách được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh và thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Từ góc nhìn pháp lý, ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cảnh báo rằng tranh chấp đầu tư có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các dự án liên quan đến phân cấp quản lý và PPP.

Theo ông Châu Việt Bắc, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có thể dẫn đến sự thiếu đồng bộ của các địa phương. Tù đó dẫn đến hệ quả các bên phát sinh tranh chấp do chậm trễ hoàn tất thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước. Riêng với các dự án PPP, dù Luật số 57 mở rộng phạm vi và tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia, việc thiếu cơ chế thực thi minh bạch tiềm ẩn rủi ro tranh chấp về điều khoản chấm dứt hợp đồng hoặc phân chia rủi ro.

Cải cách thể chế đầu tư - động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Từ góc nhìn lập pháp, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định năm 2024-2025 là giai đoạn trọng tâm trong quá trình cải cách thể chế đầu tư, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Việc Quốc hội thông qua Luật số 57/2024/QH15 thể hiện rõ tư duy lập pháp đổi mới, chuyển từ quan điểm “không quản được thì cấm” sang hướng kiến tạo và thúc đẩy phát triển, lấy phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính làm nền tảng.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận loạt điều chỉnh đồng bộ trong hệ thống pháp luật đầu tư. Trong đó, Luật Đất đai sửa đổi cơ chế thu hồi đất, thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất - những yếu tố then chốt đối với các dự án khu đô thị và nhà ở thương mại. Luật Đấu giá tài sản và Luật Đấu thầu được cập nhật nhằm tăng tính minh bạch, hiệu quả trong lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án sử dụng đất công. Luật Đầu tư bổ sung quy định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư và giới thiệu “thủ tục đầu tư đặc biệt” dành cho các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.

Song song đó, các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Chứng khoán, Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng được điều chỉnh để đảm bảo đồng bộ chính sách và xử lý hiệu quả xung đột giữa các loại quy hoạch.

Hướng tới năm 2025, Quốc hội tiếp tục ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học và công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Quảng cáo dự kiến được sửa đổi theo hướng linh hoạt, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, PPP công nghệ cao và thu hút đầu tư chất lượng.

Đáng chú ý, đề xuất thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng hứa hẹn trở thành cú hích chiến lược. Trung tâm này sẽ áp dụng 15 nhóm chính sách đặc thù, bao gồm ưu đãi về thuế, ngoại hối, thị trường vốn và mô hình doanh nghiệp linh hoạt, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Luật số 57/2024/QH15 được đánh giá là một bước tiến mạnh mẽ trong nỗ lực cải thiện thể chế, tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. ITPC kỳ vọng hội thảo là cầu nối hiệu quả giữa chính sách và thực tiễn, kịp thời cung cấp thông tin pháp lý cập nhật, giải đáp vướng mắc, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, gia tăng khả năng tiếp cận các ưu đãi đầu tư, từ đó góp phần nâng cao vị thế kinh tế - tài chính của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thanh Minh
Bài viết cùng chủ đề: đầu tư công

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự dịp Lễ 30/4 và 1/5

Thủ tướng nêu 3 quyết tâm, 3 sứ mệnh tạo đột phá kinh tế số

Phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau

Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 1- Định hình không gian để chuyển mình, bứt phá

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Cử tri cả nước đề nghị xử lý nghiêm hành vi sản xuất thuốc giả, sữa giả

Ngoại giao đi đầu kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc

Đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết 2026

Bổ sung quy định việc quyết định cơ cấu Chính phủ trong trường hợp cần thiết

Thủ tướng điểm tên loạt địa phương chậm giải phóng mặt bằng

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm 'nối hai bờ đại dương' với Tổng thống Nam Phi

Tổng Bí thư: Tăng thiết giáp phải xứng đáng là lực lượng đột kích nòng cốt, tinh nhuệ, hiện đại

Thủ tướng yêu cầu ổn định thị trường vàng

Thủ tướng: Đàm phán thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững với Hoa Kỳ

Chung tay vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc

Việt Nam là ‘đại bản doanh’ của nhiều tập đoàn công nghệ

Kỳ họp thứ 9 khai mạc sớm hơn thông lệ, với nhiều nội dung quan trọng

Chùm ảnh: Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng

Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ