
CôngThương - Phát triển nhanh và ổn định
Công ty liên doanh Bông Sen (Lotus Port) được thành lập ngày 31/8/1991, gồm 4 đối tác ban đầu là Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương (Vietrans), Vosa và 2 đối tác nước ngoài là Hãng tàu Biển Đen (Blasco, Ucraina) và Công ty SSA (Mỹ) .
Ngày 6/6/1996, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Cục Hàng hải Việt Nam đã chính thức công bố mở cảng biển quốc tế Bông Sen (Lotus Port). Đây là liên doanh đầu tiên với nước ngoài tại Việt Nam về khai thác cảng biển quốc tế.
Ra đời trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Lotus Port gặp rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Công ty có chuyển biến mạnh mẽ kể từ năm 2001, khi ông Thái Duy Long, Tổng giám đốc Vietrans được bầu làm Chủ tịch HĐQT, đặc biệt từ tháng 1/2002, khi Vietrans mua lại phần vốn góp của công ty SSA trong liên doanh và nâng tỷ trọng vốn góp của Vietrans từ 37% lên 62%. Với tư duy năng động và sáng tạo, nhạy bén trong chỉ đạo điều hành, ông đã cùng HĐQT, Ban giám đốc đề ra chiến lược kinh doanh mới, đảm bảo công ty phát triển với tốc độ cao và ổn định.
Những năm qua, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng và mở rộng cầu cảng, trang bị thêm máy móc hiện đại, mở rộng kho hàng và bãi chứa hàng container, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến và marketing hiện đại, đảm bảo chất lượng dịch vụ cao, giải phóng hàng hóa nhanh và an toàn.
Đến nay, Lotus port có hệ thống cơ sở vật chất khá hiện đại với cầu cảng container dài 300 m, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 25.000 DWT, hai bến sà lan, 2 hệ thống cẩu bờ Liebhher hiện đại, cẩu nổi sức nâng 230 tấn, xe nâng, xe chụp container, bãi chứa container rộng 150.000 m2, hệ thống kho trung chuyển, kho ngoại quan rộng 20.000m2... có khả năng tiếp nhận và thông qua cảng trên 2 triệu tấn/năm, đón hàng trăm ngàn lượt khách du lịch.
Với đội ngũ CBCNV có trình độ chuyên môn giỏi, tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008, thực hiện tốt phương châm “luôn luôn vì quyền lợi khách hàng”, Lotus port đã trở thành địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, mỗi năm tiếp nhận hàng trăm lượt tàu ra vào, trong đó có các hãng tàu lớn và khó tính như RICHKMERS (CHLB Đức), TOKOLINE và ECL-LINE (Nhật Bản), BENLINE (Úc)… Hàng hóa qua cảng chủ yếu là các loại máy móc, sắt thép, ôtô, container, thiết bị siêu trường siêu trọng.
Từ năm 2001 đến nay, công ty luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều vượt kế hoạch đề ra, đóng góp cho ngân sách hàng chục tỷ đồng, được Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đánh giá là một trong những cảng biển có tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả cao ở khu vực phía nam. 8 tháng đầu năm 2011, mặc dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn; giá nhiên liệu, giá điện, chi phí nhân công, lãi suất ngân hàng đều tăng cao nhưng công ty vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Các tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên của công ty hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Nhiều năm liên tục, Đảng bộ công ty được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, tổ chức Công đoàn vững mạnh, Đoàn thanh niên tiên tiến. CBCNV công ty tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các quỹ xóa đói, giảm nghèo, vùng bị thiên tai, lũ lụt...
Với những thành tích đã đạt được, tập thể CBCNV công ty và nhiều cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND TP. Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc. Tập thể CBCNV công ty đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty được Chính phủ Ucraina tặng Bằng khen vì có thành tích duy trì và phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam – Ucraina.
Nắm bắt thời cơ, đầu tư thêm cảng mới
Ông Thái Duy Long, Chủ tịch HĐQT - cho biết: Với tốc độ phát triển cao của cả nước và của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, lượng hàng hóa XNK thông qua các cảng biển ngày càng tăng, xu hướng vận chuyển container sẽ ngày càng chiếm ưu thế. Thêm vào đó, các dự án cầu vượt sông Sài Gòn đã được triển khai, đặc biệt cầu Phú Mỹ đã được đưa vào sử dụng, nối liền tuyến giao thông vành đai của TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Với vị trí đặc biệt thuận lợi (nằm phía hạ lưu chân cầu Phú Mỹ hướng về Biển Đông), Lotus port trở thành cảng trung tâm trong lưu thông hàng hóa từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Đây là cơ hội tốt để Lotus port phát triển mạnh cả hiện tại và tương lai.
Nắm bắt cơ hội này, những năm qua, Lotus port đã chuyển hướng hoạt động từ cảng tổng hợp sang khai thác các nhóm hàng và mặt hàng có giá trị cao, đặc biệt là hàng container. Công ty tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ liên quan như: Dịch vụ tiếp nhận tàu biển, xếp dỡ hàng hóa, container; dịch vụ vận chuyển hàng hóa XNK; dịch vụ Logistics; dịch vụ kho bãi hàng hóa các loại; dịch vụ kho ngoại quan… Thêm vào đó, công ty đã liên kết với cảng Rau quả và Vinatrans để mở rộng hệ thống kho bãi lên hơn 250.000m2 và hình thành cụm cảng với hơn 500m cầu tàu, có khả năng tiếp nhận 4 tàu cùng một lúc. Việc liên kết này đã mang lại hiệu quả cao cho cả Lotus port, cảng Rau quả và Vinatrans.
Từ nay đến năm 2015, Lotus port và các đối tác sẽ triển khai dự án đầu tư cụm cảng Lotus 2 tại xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với diện tích 30 ha, cách cảng Lotus port hiện hữu 4 km về phía bên kia sông Sài Gòn. Khi cụm cảng Lotus 2 đi vào hoạt động sẽ phát huy thế mạnh của hai cảng, góp phần nâng cao công suất, doanh thu và lợi nhuận cho công ty, đồng thời, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.