Thứ ba 24/12/2024 00:43

Lợi nhuận công ty bảo hiểm: Áp lực từ chi phí bồi thường

Chi phí bồi thường “gia tăng” khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm giảm sút, thậm trí có doanh nghiệp âm tới hơn 352 tỷ đồng.

“Nặng gánh” chi phí bồi thường

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 ước đạt 251.306 tỉ đồng, tăng 15,09% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khoảng 15,33%, còn bảo hiểm nhân thọ tăng khoảng 15%.

Như vậy, xét riêng thị trường bảo hiểm nhân thọ, tốc độ đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, tiếp tục đà giảm sau khi quy mô thị trường tăng gấp đôi sau mỗi ba năm. Trong giai đoạn 2011-2019, thị trường luôn giữ đà tăng trưởng ổn định, có những năm trên 30%, đến năm 2019 thì tốc độ giảm còn khoảng 21-22%.

Còn doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ở giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh chỉ tăng vài phần trăm, riêng năm 2021 tăng vỏn vẹn 1,7%. Dù vậy, mặt tích cực của giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội đối với lĩnh vực bảo hiểm là đã kéo tỷ lệ bồi thường của cả con người và xe cơ giới xuống mức thấp.

Trong báo cáo ngành bảo hiểm công bố hồi đầu năm 2023, khối phân tích Công ty chứng khoán SSI đánh giá tình trạng cạnh tranh vẫn diễn ra gay gắt trong cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Theo đó, mức phí của các công ty bảo hiểm chưa có sự gia tăng đáng kể trong bối cảnh xu hướng tăng phí bảo hiểm đang diễn ra trên toàn cầu.

“Cùng với việc tỷ lệ bồi thường đã quay trở về mức trước Covid-19, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của hầu hết các công ty bảo hiểm trong năm 2022 đều sụt giảm” - SSI phân tích.

Năm 2022, chi phí bồi thường tăng cùng việc nhiều công ty bảo hiểm không đạt được lợi nhuận từ hoạt động tài chính cao như năm 2021 là nguyên nhân chính khiến bức tranh lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm không mấy tích cực, bất chấp sự phục hồi của doanh thu. Riêng ở nhóm doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn, tổng lợi nhuận 12 công ty giảm gần 29,5% so với năm 2021.

Bảo hiểm Bưu điện PTI báo lỗ khủng tới 352 tỷ đồng năm 2022

Trong đó, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là doanh nghiệp duy nhất thua lỗ trong năm 2022 khi lợi nhuận sau thuế âm tới hơn 352 tỷ đồng. Lý do khiến doanh nghiệp bảo hiểm này thua lỗ lớn sau khi báo lãi kỷ lục năm 2021 là chi phí bồi thường bảo hiểm đã tăng 747 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35% so với mức nền thấp cùng kỳ.

Ngoài ra, PTI đã “cược” sai đối với sản phẩm “Vững Tâm an” - một sản phẩm mà chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng, khách hàng có thể được chi trả hàng triệu đồng khi nhiễm Covid-19. Đại diện PTI cho biết, chương trình bảo hiểm này khiến công ty phát sinh chi phí tới 353 tỷ đồng trong năm 2022.

Nếu không tính PTI báo lỗ lớn, quy mô lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn giảm tới gần 20%. Tập đoàn Bảo Việt báo lãi giảm 1/3 so với năm 2021, dù tăng trưởng doanh thu đã trở lại mức hai con số. Bảo hiểm Petrolimex báo lãi giảm 42% một phần do năm trước được hoàn nhập dự phòng phí bảo hiểm khá lớn, một phần bởi chi phí tài chính và tỷ lệ bồi thường đều tăng.

Tốc độ tăng chi phí bồi thường lớn hơn mức tăng doanh thu phí bảo hiểm ở phần lớn công ty bảo hiểm khi các hoạt động kinh tế và xã hội trở lại trạng thái bình thường sau khi chạm đáy vào quý I/2022. Chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp khả năng cao sẽ tiếp tục tăng đến đầu năm 2023, ngoài do mức nền so sánh thấp cùng kỳ, còn bởi tác động tiêu cực từ các trận mưa lũ cuối năm trước.

Hai ông lớn đang trong top 5 thị phần gồm Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Bảo Minh đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm trên 20%, nhưng chi phí bồi thường tăng trên 30% trong năm 2022. Dù vậy, sau khi trừ các chi phí khác, lợi nhuận gộp mảng kinh doanh bảo hiểm của 2 doanh nghiệp này đều có lãi và tăng trưởng so với năm 2021.

Nguyên nhân chính khiến MIC báo lãi lùi là do “hụt” thu nhập từ hoạt động tài chính, chỉ thu về lợi nhuận tương đương 15% cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận hoạt động tài chính giảm hơn một nửa trong quý IV và giảm 26% cả năm, nhưng Bảo Minh vẫn báo lãi tăng 14,7% so với năm 2021.

3 thách thức lớn trong năm 2023

Lãi suất tăng được đánh giá là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với nhóm doanh nghiệp bảo hiểm do phần lớn danh mục đầu tư nhóm này đang nằm ở tiền gửi ngân hàng và trái phiếu. Thực tế, động lực này chưa phát huy nhiều trong quý IV/2022 khi phần lãi suất được hưởng thêm chưa đủ bù cho hoạt động đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có nhịp rơi sâu hồi giữa quý IV.

Tuy nhiên, nhìn lại từ đầu năm 2022 đến nay, lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng tư nhân đã tăng bình quân khoảng 2,75 điểm phần trăm và vượt mức trước khi đại dịch xảy ra. Lãi suất huy động đã và đang tiếp tục tăng mạnh được kỳ vọng là yếu tố giúp nhóm doanh nghiệp này đạt được lợi suất đầu tư tốt hơn trong các quý tới.

Hơn nữa, cùng sự mở rộng nhanh chóng của doanh thu phí bảo hiểm, quy mô tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng nhanh. Bảo Việt, với lĩnh vực hoạt động ở cả hai mảng nhân thọ và phi nhân thọ, lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD tài sản vào cuối năm 2022, tăng 18,9% so với thời điểm 31/12/2021 và gấp hơn 7 lần thời điểm năm 2009. Tổng tài sản MIC cuối năm 2022 tăng 30% so với đầu năm, nâng quy mô lên 8.545 tỷ đồng.

Tính chung, quy mô tài sản 12 công ty bảo hiểm trên sàn đã tăng thêm 37.851 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương mức tăng 15%. Trong khi đó, điểm đáng lưu ý là, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này đi ngang. Tại thời điểm cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu chiếm gần 19,1% tổng nguồn vốn. Đến cuối năm 2022, vốn ngày càng “mỏng” hơn khi bình quân 100 đồng vốn chỉ có 16,4 đồng từ vốn chủ sở hữu.

Các đợt tăng vốn của ngành bảo hiểm khá mờ nhạt trong năm 2022, khi chỉ Bảo hiểm Nông nghiệp, MIC chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và Bảo hiểm Petrolimex chia thưởng cổ phiếu. Phải tới gần đây, ngành bảo hiểm mới có đợt tăng vốn đáng chú ý của PVI Re với số vốn huy động được 632 tỷ đồng.

Điểm sáng đáng chờ đợi thời gian tới là kế hoạch tăng vốn của MIC vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt hồ sơ vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, khả năng thành công của đợt phát hành chịu ảnh hưởng lớn bởi điều kiện thị trường, bên cạnh sức hấp dẫn của bản thân doanh nghiệp.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã chỉ ra những thách thức chính mà thị trường bảo hiểm cần giải quyết trong thời gian tới. Những thách thức này sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu và hiệu quả sinh lợi của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thứ nhất, tỷ lệ bồi thường gia tăng (do các hoạt động kinh tế xã hội đã trở lại bình thường sau dịch bệnh), trong khi nhu cầu bảo hiểm mới tăng chậm lại (do kinh tế dự báo khó khăn hơn) và hoạt động đầu tư suy giảm (do thị trường chứng khoán giảm mạnh...).

Thứ hai, theo quy định mới của pháp luật, từ năm 2023, các công ty bảo hiểm có quyền tự quyết lớn hơn với các nguồn vốn đầu tư của mình. Tuy nhiên, quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm với từng loại tài sản tài chính chưa được thông qua trong khi thời gian còn lại là không nhiều.

Thứ ba, là vấn đề minh bạch thông tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, tình trạng tranh chấp khi xử lý bồi thường gây ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia bảo hiểm cũng như cản trở sự phát triển của thị trường.

Một số vấn đề phát sinh từ việc thực hiện bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng chưa hợp lý (bắt buộc mua bảo hiểm với các sản phẩm tín dụng mà chưa giải thích rõ với khách hàng).

Các đại lý bảo hiểm tư vấn chưa đầy đủ, hợp đồng bảo hiểm đôi khi khó hiểu hoặc dài dòng, điều kiện bảo hiểm không rõ ràng... khiến người dân thiếu niềm tin vào thị trường bảo hiểm.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hiểm

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn