Lỗ hổng nhân lực ngành du lịch
Hai năm dịch Covid-19 bùng phát, số lượng doanh nghiệp du lịch phá sản cũng như tạm thời đóng cửa gia tăng, kéo theo nhân lực du lịch phần lớn thất nghiệp, chuyển nghề, tạm nghỉ việc và tìm việc khác để duy trì cuộc sống. Trong số ít ỏi các doanh nghiệp còn đang tồn tại- ông Nguyễn Văn Tài- CEO VietSense Travel - chia sẻ, du lịch đang có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng chỉ được mảng nội địa trong nước cùng với tình trạng du lịch tự túc của người dân nên lượng việc của các doanh nghiệp cũng chưa nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp trong đó có VietSense Travel vẫn chỉ đang vận hành với đội ngũ nhân lực cốt cán là ban giám đốc và các trưởng phòng (7-10 người).
Thiếu nhân lực là bài toán đầy thử thách đối với ngành du lịch |
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn Chính phủ cũng như toàn ngành du lịch đang nỗ lực vực dậy các hoạt động dịch vụ du lịch thì chính lỗ hổng nhân lực sẽ là bài toán đầy thử thách. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu du lịch phục hồi thành công sau việc mở cửa đường bay quốc tế từ ngày 15/2 và du lịch thích ứng bình thường mới từ 15/3 thì cao điểm đầu tiên của thị trường du lịch sẽ là dịp nghỉ lễ 30/4 & 1/5, và đây chính là thời điểm nhu cầu tăng cao và thiếu hụt nhân lực phục vụ sẽ lộ rõ. Trong khi đó, lực lượng lao động du lịch lành nghề trước đây đã chuyển nghề khác để mưu sinh; lực lượng sinh viên tốt nghiệp các trường trong 2 năm vừa rồi do dịch nên cũng không có điều kiện thực tập thực tế tại doanh nghiệp, vì thế cũng chưa thể làm ngay, doanh nghiệp cũng sẽ không thể tuyển được nhân lực lành nghề như mong muốn.
Không chỉ vậy, để giữ chân được người lao động cũng đang là vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. Theo ông Phạm Hải Quỳnh- Giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh, muốn tuyển dụng và giữ chân lao động doanh nghiệp phải có cơ chế lương, thu nhập đảm bảo. Mặt khác, ngoài lương, thưởng doanh nghiệp phải có việc làm thường xuyên. Nhưng hiện nguồn lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp đang suy giảm nặng nề, thị trường khách du lịch cũng phập phù do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, để tuyển dụng và giữ chân lao động không hề đơn giản, nếu không có sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam - cho rằng, việc giữ chân lao động cũ hiệu quả hơn đào tạo mới. Theo đó, cần có chính sách thiết thực, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương nhằm giữ chân lực lượng lao động là việc làm cần nhất lúc này. Như hỗ trợ doanh nghiệp với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực.
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới người lao động và người sử dụng lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Các chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động trong ngành du lịch đang hết sức quan trọng, bởi đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc do lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề. |