“Hoa tiền”: Món quà độc lạ tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật Xử lý nghiêm các trường hợp đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật |
Yếu tố nào khiến người chưa thành niên phạm tội?
Thời gian qua, nhiều vụ án liên quan đến người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra. Không ít trường hợp người phạm tội cố tình vi phạm, hoặc cũng có người chưa thành niên không biết được việc làm sai trái của mình có thể bị pháp luật xử lý. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc vi phạm có tổ chức, với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng.
Có thể nói, thực trạng về tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là ở một bộ phận giới trẻ đang gióng lên hồi chuông đáng báo động. Nếu không có “liều thuốc” đủ mạnh thì nguy cơ lây lan rộng trong bộ phận giới trẻ và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội rất cao.
Theo quan điểm của các chuyên gia pháp lý, hầu hết đối tượng chưa thành niên phạm tội đa phần có trình độ học vấn thấp, cha mẹ ly hôn, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, không có việc làm ổn định và thường tụ tập với nhau để sử dụng ma túy, gây rối trật tự công cộng,...
Bàn luận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Trước hết, đó là về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Theo đó, người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi thanh thiếu niên thì phát triển nhanh chóng về thể chất, nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn.
Sau những hành động bột phát, nhiều thanh thiếu niên phải trả giá bằng việc vướng vòng lao lý |
Theo quan điểm của luật sư Hà, nếu giáo dục cứng nhắc hoặc giáo dục không đúng cách thì có thể khiến những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo trở thành những đứa trẻ ngỗ ngược, bất trị và chúng có thể bỏ học, tự tử, thậm chí trở thành tội phạm. Ở độ tuổi chưa thành niên thì rất dễ bị cảm xúc chi phối hành vi. Chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt, người chưa thành niên có thể có những xúc động mạnh, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bột phát, không kiểm soát được lý trí và có thể dẫn đến hành vi phạm tội.
Thứ hai, đó là việc người chưa thành niên thiếu sự quan tâm từ gia đình. Phần lớn những đứa trẻ phạm tội đều sống trong những gia đình không có hạnh phúc, thường xuyên bị đối xử tàn nhẫn, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ hoặc những đứa trẻ được nuông chiều, đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất, nhưng thiếu kiểm soát dẫn đến trẻ mắc sai lầm rồi trượt dài trên những sai lầm đó.
Thứ ba, đó là môi trường học tập và môi trường sống xung quanh. Trường học là một môi trường hoạt động chủ yếu của người chưa thành niên. Tại đây, sự giao tiếp bạn bè cùng lứa với mối quan hệ cá nhân ngày càng gắn bó, mở rộng và chịu ảnh hưởng từ quan hệ bạn bè rất lớn, thậm chí là nghe theo lời khuyên của bạn bè nhiều hơn nghe lời khuyên từ bố, mẹ và gia đình. Tính cách của các em thường phát triển theo khuynh hướng chứng tỏ “bản thân” là người lớn và mong muốn người xung quanh thừa nhận hoặc tạo sự nổi tiếng với các bạn cùng lứa. Do vậy, các em thường gặp sai lầm trong khi muốn xử lý gấp mọi vấn đề khó khăn gặp phải, nhằm chứng tỏ sự trưởng thành của mình.
Thứ tư, đó là mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Mạng xã hội hiện nay có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm là người chưa thành niên tăng cao. Ví dụ, nền tảng tiktok là ứng dụng trở nên ưa chuộng với lứa tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nền tảng mạng xã hội này là con dao hai lưỡi đối với người sử dụng mạng ở Việt Nam. Bởi vì, thuật toán của nền tảng này chỉ ưu tiên với những video có lượt xem, lượt thích nhiều sẽ ưu tiên xuất hiện cho người xem.
“Chính vì điểm trên mà các video trend kèm lời nói, hành vi súi giục sẽ xuất hiện liên tục hoặc các nội dung có liên quan nếu xem video quá 5s. Và nền tảng này được mọi lứa tuổi ưa chuộng để cập nhập những Hot Trendding cũng như kiếm tiền. Với tâm lý của thế hệ genz ngày nay, thứ mà họ cần là tạo ra được nội dung video làm nên hot trend bất chấp hành vi có vi phạm pháp luật không, miễn là nội dung đó của họ tạo nên làn sóng trend và kiếm được tiền nhờ hot và từ đó được mời quảng cáo”, luật sư Hà bày tỏ quan điểm.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Sau những hành động bột phát, thiếu kiềm chế của người chưa thanh niên là hệ lụy khôn lường không thể kể hết. Hơn ai hết, chính những người phạm tội sẽ phải trả giá bằng việc vướng vòng lao lý, khi bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Theo luật sư Lương Thành Đạt - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho biết, để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, việc chỉ tăng cường biện pháp giáo dục là chưa đủ, ngoài ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác.
Cụ thể, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho người chưa thành niên. Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp quản lý xã hội, đặc biệt nhất là mạng xã hội. Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động áp dụng các biện pháp tư pháp, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và phối hợp hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm trong việc thi hành, giám sát các biện pháp tư pháp áp dụng đối với dưới 18 tuổi phạm tội.
Về phía gia đình, nhà trường, xã hội cần có trách nhiệm lớn trong công tác quản lý, tuyên truyền giáo dục kiến thức về pháp luật đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tiếp theo đó, khi cha mẹ học sinh tạo điều kiện cho con tham gia giáo dục tại cơ sở, môi trường sư phạm, thì thuộc về trách nhiệm của nhà trường là nơi tiếp nhận giáo dục. Pháp luật Việt Nam đã ban hành riêng về Luật Giáo dục áp dụng cho các bậc giáo dục từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học, ngoài ra còn có những cơ sở giáo dục thường xuyên.
Thanh thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật và đăng tải trên nền tảng tiktok để câu like |
Luật sư Lương Thành Đạt cho rằng, đối với giáo dục lớp trẻ hiện nay thì trách nhiệm sẽ không thuộc về một cá nhân nào đó, mà là toàn trách nhiệm chung đối với cả gia đình, nhà trường, xã hội. Bởi lẽ, để hình thành nên ý thức đạo đức các quy tắc ứng xử phải được hình thành từ khi trẻ nhỏ. Đối với trẻ nhỏ, thì gia đình có trách nhiệm nhiều nhất, vì thường xuyên tiếp xúc cũng như dạy trẻ ngay từ khi trẻ tập nói. Đây cũng là điều cơ bản, nhưng quan trọng nhất trong giai đoạn hình thành phát triển tư duy của trẻ nhỏ.
Cần cho người chưa thành niên nói riêng và độ tuổi học sinh nói chung tiếp cận với luật gần hơn nữa và cần có những ví dụ thực tiễn đi kèm với những video chân thật nhất, để lứa tuổi còn đang ghế nhà trường có thể hiểu được với những hành vi có thể khiến tương lai ở sau song sắt.
Tiếp đến, đó là trách nhiệm của nhà trường khi các em đến trường. Các giáo viên nên có trách nhiệm hơn nữa không chỉ trong việc sát sao và quan tâm đến học sinh trong việc học tập, mà còn chú ý đến những biểu hiện của bạo lực học đường. Bên cạnh đó, đối với những thành phần cá biệt, nhà trường cũng cần kết hợp với gia đình, để có những biện pháp vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo giúp các học sinh ổn định cuộc sống, chấp hành đúng các nội quy, quy định của pháp luật.
“Nhà trường cần có những buổi tuyên truyền pháp luật nhiều hơn nữa và giáo viên cần thực sự nhiệt huyết với buổi học, để tránh tình trạng chung là thực hiện buổi tuyên truyền cho có và học sinh tham gia buổi học cho đủ”, Luật sư Đạt khuyến cáo.
Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, “căn bệnh” trẻ hóa tội phạm mới phần nào được ngăn chặn và có thể giúp cho các phụ huynh, nhà trường, xã hội đưa ra định hướng đúng đắn, để giáo dục người chưa thành niên tuân thủ các quy định pháp luật.