Liên minh châu Âu đã thêm Nga vào danh sách đen các thiên đường thuế
Theo đó, các Bộ trưởng kinh tế và tài chính của 27 quốc gia EU nhận định Liên bang Nga đã không thực hiện cam kết sửa đổi chế độ thuế ưu đãi có hại. Các Bộ trưởng lưu ý rằng sự đổ vỡ trong cuộc đối thoại giữa EU và Nga do cuộc chiến Ukraine đã ngăn cản các mâu thuẫn về thuế được giải quyết. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết rõ ràng là hiện tại không có sự can dự nào với Nga nên không thể nói rõ ràng rằng Nga đang hợp tác về các vấn đề thuế.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Elisabeth Svantesson, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, cho biết quyết định này không dựa trên "lý do chính trị", bất chấp thời điểm cụ thể, mà dựa trên một đánh giá kỹ thuật chứng minh rằng Nga đã "thất bại" trong việc giải quyết vấn đề có hại trong các yếu tố pháp lý của nước này.
Những yếu tố đó liên quan đến thu nhập từ sở hữu trí tuệ và cái gọi là "các điều khoản của ông nội" (nghĩa là tình huống luật lệ cũ vẫn được áp dụng với những vấn đề hiện tại trong khi luật mới sẽ áp dụng cho những tình huống sau này, những người được miễn trừ khỏi luật mới sẽ được gọi là có quyền ông nội), cho phép các thực thể kinh doanh tuân theo các quy tắc cũ thay vì các quy tắc mới.
Cũng trong ngày 14/2, các Bộ trưởng EU đã thêm Quần đảo Virgin thuộc Anh, Costa Rica và Quần đảo Marshall vào danh sách đen, nâng tổng số lên 16 khu vực pháp lý. Được thông qua lần đầu tiên vào năm 2017, danh sách thuế của EU được cập nhật hai lần một năm. Brussels khẳng định danh mục công khai không nhằm mục đích “làm xấu mặt" các quốc gia khác, mà để "khuyến khích thay đổi tích cực" trong thực tiễn thuế thông qua hợp tác và tiếp tục đối thoại.
Các quốc gia trên thế giới được đánh giá dựa trên ba tiêu chí chính: Minh bạch thuế, đánh thuế công bằng và các biện pháp khắc phục xói mòn cơ sở dữ liệu và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của các công ty đa quốc gia. Những nước không tuân thủ các tiêu chí được yêu cầu thay đổi luật pháp của họ. Nếu họ từ chối làm như vậy, EU có thể thêm họ vào danh sách, danh sách này không sử dụng thuật ngữ "thiên đường thuế" mang tính chính trị mà thay vào đó nói về "các khu vực tài phán không hợp tác". Việc dán nhãn không đòi hỏi bất kỳ sự trả thù hoặc trừng phạt nào ngoài thiệt hại về uy tín.
Ngày 14/2, các Bộ trưởng EU đã cho phép Hồng Kông, Malaysia và Qatar, ba nền kinh tế đang bị giám sát chặt chẽ về chế độ thuế, gia hạn thực hiện cải cách. Barbados, Jamaica, Bắc Macedonia và Uruguay được cho là đã hoàn thành các bước cần thiết. Các bộ trưởng cũng nêu bật những cam kết gần đây của Aruba, Curaçao, Belize, Israel và Albania, một ứng cử viên chính thức gia nhập khối 27 quốc gia.
Danh sách đen của EU thường là mục tiêu chỉ trích của các chuyên gia thuế và các tổ chức xã hội dân sự, những người cho rằng phạm vi của nó quá hạn chế và không nhắm mục tiêu vào các quốc gia thành viên, chẳng hạn như Luxembourg và Hà Lan, những nơi có đặc điểm của thiên đường thuế.
Chiara Putaturo, cố vấn chính sách thuế tại văn phòng EU của Oxfam, đã chỉ trích danh sách này như một "sự minh oan hoàn toàn" vì đã loại trừ các khu vực pháp lý như Bermuda và Đảo Cayman, hai lãnh thổ hải ngoại nổi tiếng là nơi tổ chức các công ty vỏ bọc được các tập đoàn sử dụng để tránh phải trả thuế cao hơn ở quê hương của họ.
Với danh sách này, EU tiếp tục cho phép những người siêu giàu và có lợi nhuận cất giấu tài sản của họ trong khi những người bình thường đang chiến đấu với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Bản cập nhật là một cơ hội bị bỏ lỡ khác để chấm dứt các thiên đường thuế và lấy lại hàng tỷ đô la để thu hẹp khoảng cách giữa giới siêu giàu và người dân thường.