Thứ sáu 29/11/2024 05:14

Liên kết du lịch miền Trung: Lấp đầy khoảng trống

Ba tỉnh, thành phố du lịch trọng điểm miền Trung là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam vừa tổ chức tổng kết 10 năm liên kết phát triển du lịch (2005- 2015), tất cả đều thống nhất, việc liên kết còn nhiều khoảng trống phải lấp đầy trong thời gian tới.
Festival Huế - điểm nhấn du lịch miền Trung

Tiền chi nhiều, hiệu quả ít

Khi đề cập đến hoạt động liên kết trên lĩnh vực du lịch 10 năm qua, Ông Trần Viết Lực - Trưởng phòng quy hoạch và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế - phát biểu thẳng thắn: Hoạt động liên kết du lịch mới dừng ở trên giấy tờ, thực tế, các địa phương vẫn cạnh tranh ngầm lẫn nhau nên hiệu quả liên kết cũng mới dừng ở mức báo cáo. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam Phan Văn Tú khẳng định: Hoạt động liên kết du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam thời gian qua thực ra mới chỉ là đi chung, không phải liên kết.

Các chuyên gia ngành du lịch cùng thừa nhận, hoạt động liên kết du lịch của ba địa phương trong 10 năm qua mới dừng lại ở các hoạt động lễ tân như giao lưu, gặp gỡ; cùng tổ chức giới thiệu du lịch tại một số thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... Riêng các chương trình hội chợ du lịch trong nước và quốc tế có đơn vị tham gia, có đơn vị không. Thậm chí, 10 năm liên kết nhưng ba địa phương vẫn chưa thống nhất được logo chung, slogan chung; bộ nhận diện thương hiệu, bộ thông tin chung về du lịch; hoạt động xây dựng tour, tuyến trọn gói ba tỉnh, thành phố chỉ trên bàn hội nghị; quan trọng hơn doanh nghiệp du lịch là nhân tố then chốt lại vắng bóng… Còn giới thiệu cái gì, triển khai như thế nào thì mỗi địa phương mạnh ai nấy làm.

Du lịch cần hướng đến xuất khẩu tại chỗ

Tuy nhiên, để thực hiện hoạt động liên kết, nguồn kinh phí cả ba tỉnh, thành phố đổ ra đều rất lớn. Năm 2015 đã chi hơn 1 tỷ đồng, trong đó thành phố TP. Đà Nẵng là 285,6 triệu đồng, Thừa Thiên Huế 112,2 triệu đồng, Quảng Nam 180,2 triệu đồng, còn lại xã hội hóa 439 triệu đồng. Năm 2016, tổng kinh phí dự trù dành cho các hoạt động này cũng là 1 tỷ đồng, trong đó tham gia 4 hội chợ (2 hội chợ quốc tế trong nước và 2 hội chợ tổ chức ở nước ngoài) là 850 triệu đồng, còn lại là in ấn phẩm, vật phẩm quảng bá du lịch cho ba địa phương.

Không những yếu về liên kết, các chuyên gia đầu ngành du lịch còn chỉ ra rằng, tuy được đánh giá là “trọng điểm du lịch miền Trung” nhưng thực tế cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đều thiếu và yếu. Cụ thể, tiến sĩ Hoàng Gia Thư (Đại học Hà Nội) cho biết, năm 2015, qua khảo sát 115 khách sạn tiêu chuẩn 3 sao của cả ba địa phương, có đến 20% nhân viên tại các vị trí làm việc không đáp ứng được yêu cầu. Trong lĩnh vực lữ hành, con số này lên đến 25%...

Để liên kết hiệu quả

Thấy rõ sự liên kết lỏng lẻo trên lĩnh vực du lịch khiến cả ba tỉnh được đánh giá là “những ông hoàng” của ngành du lịch miền Trung chỉ “có tiếng không có miếng”, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - cho rằng, phải thành lập quỹ du lịch chung của ba địa phương để tạo nguồn lực về tài chính thúc đẩy phát triển du lịch. Đề xuất này đã được cả ba địa phương hưởng ứng và đề nghị Tổng cục Du lịch sớm đệ trình lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có cơ chế hình thành quỹ phát triển du lịch chung.

Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cũng xác định được thị trường du lịch quốc tế chung là Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu. Đồng thời ba tỉnh, thành phố cũng thống nhất: Hoạt động kích cầu du lịch nên gói gọn trong thời gian liền kề nhau, tạo ra sự dồn dập, trọng điểm. Cùng hỗ trợ tuyên truyền quảng bá lẫn nhau, khi địa phương này có sự kiện, lễ hội thì hai địa phương còn lại cũng sẽ hỗ trợ quảng bá sự kiện, lễ hội đó tại chính địa phương mình. Có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch trọn gói song song kết hợp tự làm mới gói sản phẩm du lịch…

10 năm “liên kết chỉ là đi chung” với kinh phí đổ ra không hề nhỏ, lãnh đạo ngành du lịch của ba tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đều nhận thấy được điều đó và họ đều đặt hy vọng đến hội nghị tổng kết du lịch ba địa phương vào năm 2016 sẽ không còn kiểu “đi chung, ngồi chung”, mà liên kết thực sự chứ không phải mang tiếng liên kết nhưng ngấm ngầm... phá nhau.

Bà Mary Mn Keon - Trưởng nhóm tư vấn dự án “Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (dự án EU):

Phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung cần tập trung vào 3 dòng sản phẩm du lịch chính đó là con đường di sản, đường mòn sinh thái và cụm nghỉ dưỡng biển.

Trần Minh Tích

Tin cùng chuyên mục

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 4: Sứ mệnh mới

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 3: Khơi thông nguồn lực phát triển

Lai Châu: Khai mạc Lễ hội PuTaLeng “Về miền Đỗ Quyên”

Xúc tiến, liên kết phát triển du lịch Đà Nẵng - Lai Châu

TP. Hồ Chí Minh: Đón hơn 39,3 triệu lượt khách du lịch, thu gần 174.000 tỷ đồng

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới-Bài 2: Cộng đồng 'hạt nhân' bảo tồn di sản

Sôi động các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Quảng Ninh

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình

Tàu biển tuyến Bắc Hải (Trung Quốc) - Hạ Long tiếp tục đưa 400 du khách đến với Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Du lịch âm nhạc 'hút' khách

Làng rau Trà Quế - Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2024

Tiếp cận thị trường, thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam

Thêm đường bay thẳng từ Singapore: Phú Quốc ngày càng hấp dẫn với khách quốc tế và chuyên gia nước ngoài

Lai Châu: Sắp diễn ra Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường “Về miền đỗ quyên”

Quảng Ninh và hành trình khôi phục du lịch 'thần tốc' dịp cuối năm

Thành phố Đà Lạt ‘chạy nước rút’ chỉnh trang đô thị, chào mừng Festival Hoa lần thứ X – năm 2024

Nhiều vấn đề cần cải thiện để ngành Du lịch tỉnh Khánh Hoà phát triển

Lào Cai: Sắp diễn ra Festival Bắc Hà 'Nghiêng say mùa Đông'

Ninh Bình lên kế hoạch đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán 2025

Hoàng Kim Group ra mắt mảng dịch vụ du lịch gia đình