Lên Sin Suối Hồ xem người Mông làm du lịch
Thơ mộng Sin Suối Hồ
Nằm ngang lưng đỉnh Sơn Bạc Mây (quanh năm mây trắng tụ), cách Quốc lộ 4D khoảng 1 giờ xe chạy, bản Sin Suối Hồ hấp dẫn bất kỳ ai lần đầu đặt chân đến bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và sự cởi mở của đồng bào Mông ở đây.
Sin Suối Hồ tươi đẹp nhất là vào mùa xuân khi hoa đào, hoa mận nở rực rỡ, sắc trắng, sắc hồng đua chen, bướm ong rập rờn. Tuy nhiên, nếu đến Sin Suối Hồ vào cuối thu đầu đông, du khách lại được ngắm những thảm hoa dã quỳ vàng ruộm trải dài các triền núi, xa xa là các thửa ruộng bậc thang xanh mướt, nghe tiếng rì rầm từ thác Trái tim dội về…
Chăm sóc hoa lan vừa tạo nên cảnh quan rực rỡ vừa hỗ trợ cho phát triển du lịch ở Sin Suối Hồ |
Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên, người Mông ở Sin Suối Hồ vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống cùng những vườn lan độc đáo, riêng có. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo nên những sức hút riêng có của Sin Suối Hồ.
Đặc biệt, từ năm 2017 trở lại đây, Sin Suối Hồ càng được nhiều người biết đến khi cảnh đẹp của đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử - đỉnh núi cao thứ 3 của cả nước nằm cách đó không xa - được “dân phượt” phát hiện và rủ nhau đến chinh phục.
Hướng đi hiệu quả từ du lịch homestay
Tận dụng lợi thế của thiên nhiên, cùng sự đầu tư của Nhà nước trong việc mở đường vào Sin Suối Hồ, năm 2014, những hộ gia đình đầu tiên ở Sin Suối Hồ đã bắt tay vào phục vụ du lịch theo hình thức homestay. Đến nay, cả bản Sin Suối Hồ đã có 10 hộ gia đình phát triển mô hình này, đủ khả năng cung cấp dịch vụ lưu trú cho hơn 100 du khách/ngày đêm với giá 70.000 đồng/khách/đêm.
Theo anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ, nhiều hộ gia đình khác cũng đang tự đầu tư hoặc nâng cấp nhà nghỉ để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch. Bên cạnh đó, Sin Suối Hồ cũng phát triển mô hình chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật của địa phương như: Phong lan, thuốc lá, thổ cẩm, ẩm thực gắn liền với không gian trình diễn các công đoạn sản xuất đặc trưng. Thậm chí, một sân khấu được xây dựng đơn giản ở trung tâm bản để biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc và một số nhà hàng của dân bản xây dựng với đặc sản thắng cố và rượu ngô phục vụ du khách. Hiện một số hộ có dịch vụ homestay cũng đang có ý tưởng sẽ quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Sin Suối Hồ trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.
Mới đây, tháp tùng Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến thăm và động viên bà con ở Sin Suối Hồ, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh: “Tây Bắc có 10 ngọn núi cao nhất nước thì có tới 6 ngọn núi nằm trên địa bàn Lai Châu. Ngoài việc khuyến khích đồng bào phát triển du lịch khám phá, Lai Châu và Chính phủ cũng cần có nghiên cứu trong dài hạn để thu hút các doanh nghiệp lớn đủ tâm đủ tầm tới phát triển tiềm năng này”.
Được biết, mô hình du lịch của dân bản Sin Suối Hồ đến nay đã lan ra nhiều bản, làng khác ở Tam Đường và một số huyện của Lai Châu; góp phần tạo ra một không khí tươi mới, tích cực trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch ở thôn, bản của địa phương này.