Khu dự trữ sinh quyển Động Châu - Khe Nước Trong: Sự kỳ vĩ của thiên nhiên Cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới |
Tại phiên họp thứ 41 (năm 2021), Đại hội đồng UNESCO đã chọn ngày 3/11 hàng năm là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu. Năm nay, ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển lần đầu tiên được tổ chức trên toàn thế giới.
![]() |
Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế về Khu dữ trữ sinh quyển |
Mục tiêu của Lễ Mít tinh là nhằm tuyên truyền sâu rộng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tầm quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với nhân loại; nâng cao nhận thức của các đối tượng về vai trò của khu dự trữ sinh quyển trong điều tiết khí hậu, bảo vệ môi trường, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan trung ương và địa phương đã khẳng định tầm quan trọng của các Khu dự trữ sinh quyển đối với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ thiên nhiên, môi trường; đồng thời các Khu dự trữ sinh quyển cũng đã và cần tiếp tục thể hiện sự quyết tâm trong việc trở thành những mô hình điển hình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, triển khai các sáng kiến và giải pháp nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, môi trường, tăng cường sự hợp tác trong mạng lưới nhằm chia sẻ các thông tin, bài học kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả quản trị khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tại Lễ Mít tinh, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời đề nghị các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu dự trữ sinh quyển tiếp tục hợp tác triển khai các hành động nhằm thúc đẩy việc phát triển mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới.
Cùng với Lễ mít tinh là chương trình trồng cây để hưởng ứng và thúc đẩy thực hiện “Sáng kiến 1 tỷ cây xanh” tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam và Lễ tổng kết hoạt động Mạng lưới khu dự trữ sinh quyển năm 2022.
Đây là hoạt động định kỳ hàng năm do Ủy ban Con người và Sinh quyển của Việt Nam (MAB Việt Nam) tổ chức nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững của các Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
![]() |
Kỷ niệm Ngày quốc tế đầu tiên về Khu dự trữ sinh quyển, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tự hào đã và đang có các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy quản lý bền vững khu dự trữ sinh quyển nhằm tăng cường khả năng phục hồi môi trường trước các mối đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu gây ra và thúc đẩy sinh kế cho người dân địa phương.
Việc thiết kế quản lý tích hợp các khu dự trữ sinh quyển là điều vô cùng cần thiết để giải quyết những thách thức trước mắt và đảm bảo sự chung sống lâu dài giữa chúng ta với thiên nhiên.
Các cam kết của UNDP trong việc gây dựng mối quan hệ bền vững giữa con người và thiên nhiên được thể hiện xuyên suốt trong 44 năm hoạt động tại Việt Nam, cụ thể là các can thiệp về bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên song song với việc phát triển sinh kế cho người dân địa phương.
UNDP luôn đề cao và thực hiện các giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên, bao gồm việc cải thiện cơ cấu kinh tế xã hội cho người dân vùng nông thôn cũng như bảo vệ môi trường sống của họ.
Đồng thời, lồng ghép bình đẳng giới và hòa nhập xã hội được thể hiện rõ trong các thiết kế dự án nhằm tối đa hóa mức độ đại diện và tham gia trong các tham vấn cải thiện khung pháp lý, triển khai hành động liên ngành hiệu quả, và nâng cao năng lực, nhận thức, trong đó có việc khuyến khích tăng cường sự tham gia của các nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp, sản xuất dưới tán rừng và du lịch sinh thái, cũng như hỗ trợ sinh kế từ rừng cho cộng đồng địa phương.
“Các nhà lãnh đạo quốc gia và địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của các khu dự trữ sinh quyển. Hưởng ứng Ngày quốc tế lần thứ nhất về Khu dự trữ sinh quyển, chúng tôi kêu gọi các hành động đồng bộ, phối hợp đa bên để bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cũng như cần ưu tiên xem xét các nhu cầu của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì cách tiếp cận cảnh quan và tăng cường hấp thụ khí nhà kính để đạt được mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 mà cộng đồng quốc tế đặt ra", bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, chia sẻ.
Tổng diện tích của 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam là 4.866.009 ha (chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước). Các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu bền vững của quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và nâng cao hiệu quả quản lý.
Đồng thời, Bộ hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và quản lý Khu dự trữ sinh quyển các Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Cù lao chàm- Hội An, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai trong khuôn khổ Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.