Thiên đường du lịch rừng nhiệt đới
Tại "vương quốc hang động" Quảng Bình, ngoài các địa điểm nổi tiếng với hệ thống hang động lớn nhất thế giới, sông suối, bãi biển dài và cát trắng… Khu Dự trữ sinh quyển Động Châu - Khe Nước Trong nằm về phía Tây - Nam huyện Lệ Thủy được xem là thiên đường du lịch rừng nhiệt đới - một kho tàng du lịch mới chưa được khám phá.
Nói về tiềm năng và sự đặc hữu hiếm có về cánh rừng nằm ở dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp này, ông Đặng Đông Hà - Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, đây là một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh với độ che phủ trên 98% và có tính đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần phải bảo tồn. Đặc biệt, đây là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm như: Bò tót, sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, trĩ sao, hồng hoàng… Và cánh rừng xanh với nhiều loài gỗ quý hiếm như: Gụ mật, gụ lau, lim xanh, vù hương, re hương, …
"Khu vực này được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới đánh giá rất quan trọng đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) coi đây là một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học trên thế giới. Những quan điểm về địa sinh học của các tác giả đều cho rằng, đây là vùng quan trọng đối với đa dạng sinh học của Việt Nam và toàn cầu. Cùng với cảnh đẹp thiên nhiên, sông Sông Rào Chân, Khe Nước Trong với dòng nước trong xanh chảy giữa vùng núi có rừng, đã tạo nên cảnh đẹp thơ mộng cho nơi này"- ông Hà hào hứng chia sẻ.
Đặc biệt hơn, Khu vực Động Châu - Khe Nước Trong nằm ở vị trí giáp vĩ tuyến 17, gắn liền với chiến trường của các trận đánh ác liệt ở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (đường Trường Sơn huyền thoại), khu vực phân chia ranh giới giữa hai miền Bắc - Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Các địa danh như Bãi Đạn, bản Trung Đoàn có giá trị lịch sử và tiềm năng lớn đối với du lịch tham quan chiến trường xưa, tìm về cội nguồn. Người dân sinh sống gần khu vực, đặc biệt là đồng bào Bru-Vân Kiều có phong tục, tập quán rất đặc trưng, khác biệt với văn hóa của các dân tộc khác nên có tiềm năng về du lịch văn hóa cộng đồng.
Ông Trần Xuân Cương - Giám đốc Công ty Du lịch Netin - cho rằng tiềm năng để phát triển du lịch phía Nam Quảng Bình - Lệ Thủy có dư địa rất lớn. Tại đây hội tụ nhiều tài nguyên để phát triển du lịch, tuy nhiên, những tiềm năng này ít được quảng bá và khai thác. Ngoài các điểm du lịch như: Nhà lưu niệm Đại tướng, Chùa Hoằng Phúc, Lăng mộ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Suối Bang, Bàu Sen… thì hệ thống hang Chà Lòi ở Ngân Thủy và Khu Dự trữ sinh quyển Động Châu - Khe Nước Trong là một khía cạnh du lịch khám phá trải nghiệm mang lại cho du khách những cảm giác không thể nào quên.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên
Nói về sự phát triển và tiềm năng của du lịch phía Nam Lệ Thủy, ông Cương cho biết: "Netin Travel đã tổ chức một số đoàn tham gia thử nghiệm, khảo sát sản phẩm du lịch này. Tương lai khi suối Bang được đưa vào khai thác du lịch sẽ tạo ra điểm nhấn cho Nam Quảng Bình, tạo nên một quần thể du lịch tự nhiên mang đậm màu sắc thiên nhiên phía Đông Trường Sơn. Hiện nay, Netin Travel đang xây dựng sản phẩm trekking chinh phục hệ thống suối và thác ở Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong và hứa hẹn sẽ là điểm đến mới, hấp dẫn của Quảng Bình năm 2022".
Một số hình ảnh về Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong |
Ông Đặng Đông Hà cho biết, bên cạnh Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong là rừng đặc dụng có tính đa dạng sinh học cao và được tỉnh Quảng Bình xác định bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển du lịch bền vững, đảm bảo an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ.
TS. Bạch Thanh Hải - Giám đốc Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong - cho hay, ngay từ khi thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, chúng tôi luôn xác định phát triển dịch vụ du lịch sinh thái là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, ngoài các nhiệm vụ bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng, nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và tuyên truyền, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế người dân sống gần rừng (vùng đệm). Phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững gắn với bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những chiến lược quan trọng của đơn vị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị của tài nguyên đa dạng sinh học. "Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện Phương án quản lý rừng bền vững, Đề án phát triển du lịch sinh thái trên toàn bộ diện tích quản lý của Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, đẩy mạnh hoạt động quảng bá và marketing"- ông Hải nhấn mạnh.