Lực lượng chức năng Lào Cai bắt giữ và xử lý thịt bò đông lạnh không rõ nguồn gốc |
Năm 2014, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn Lào Cai đã triển khai đồng bộ từ việc kiểm tra thực hiện quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm… đến việc giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, kiểm soát thực phẩm qua biên giới, truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho các chủ thể liên quan và người dân... Toàn tỉnh đã thành lập 275 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tiến hành kiểm tra 7.085 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống phát hiện 975 lượt vi phạm, phạt cảnh cáo 06 cơ sở, phạt tiền 114 cơ sở gần 190 triệu đồng, 131 cơ sở buộc tiêu hủy sản phẩm với số lượng 1.228 kg và 289 lít thực phẩm các loại (chủ yếu là hàng hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc). Ngành y tế, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, công thương, công an tỉnh… cũng đã phối hợp tiến hành nhiều cuộc kiểm tra các cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, chợ, hàng thực phẩm đóng gói sẵn… kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trong năm 2014 trên địa bàn Lào Cai vẫn xảy ra 09 vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính làm 55 người mắc, chết 2 người (do ăn nội tạng cóc và rượu ngâm rễ cây độc). Các huyện có tỷ lệ ngộ độc cấp tính/100.000 dân cao trên địa bàn Lào Cai là huyện Bát Xát, huyện Bắc Hà. Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tính trong năm tuy đã giảm từ 38,3 ca/100.000 dân xuống còn 8,2 ca/100.000; trong năm cũng không có cơ sở kinh doanh ăn uống và bếp ăn tập thể để xảy ra ngộ độc với số người mắc từ 30 người trở lên và tất cả các vụ ngộ độc đều đã được điều tra, báo cáo kịp thời để chấn chỉnh, khắc phục, nhưng đây vẫn là những sự cố đáng tiếc trên địa bàn.
Tổng kết công tác năm 2014, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm qua cần khắc phục trong năm 2015 là việc xử lý vi phạm chưa đạt yêu cầu; vẫn có địa phương chưa thực hiện việc kiểm tra quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các xã; việc khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm chưa triệt để; công tác giám sát và quản lý nguồn gốc thực phẩm nhất là các sản phẩm nông nghiệp (rau, củ, quả, rượu, thuỷ sản khô...), kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn; nhận thức của nhân dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về an toàn thực phẩm còn hạn chế... nên nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn còn rất lớn.
Bước sang năm 2015, dự báo khách du lịch đến Lào Cai sẽ tăng mạnh, nhất là dịp Tết Nguyên đán do đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã đi vào khai thác. Thống kê của công an tỉnh Lào Cai cho thấy, chỉ trong 4 ngày nghỉ Tết dương lịch, lượng người và xe đổ về Lào Cai tăng đột biến, bình quân khoảng 16.000 lượt xe với vài vạn người/ngày. Dịp Tết Nguyên đán 2015 thời gian nghỉ kéo dài tới 9 ngày, dự báo lượng người và xe đổ về Lào Cai và đến các khu, điểm du lịch có thể gấp đôi dịp Tết dương lịch. Đó là một tín hiệu tích cực cho ngành du lịch và dịch vụ của Lào Cai. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra sức ép rất lớn đối với chính quyền và các lực lượng chức năng của Lào Cai trong việc đảm bảo an ninh trật tự, giao thông không bị ách tắc, quản lý hiệu quả việc cung ứng các dịch vụ, trong đó có việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách trong dịp Tết Nguyên đán khi đến Lào Cai.
Cùng với ý thức của người tiêu dùng, tập quán, nhận thức của đồng bào các dân tộc ít người ở Lào Cai về vệ sinh an toàn thục phẩm còn hạn chế, ngày 7/1/2015, ông Vũ Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng như các lễ hội sau Tết để bảo vệ sức khỏe người dân và du khách; nâng cao năng lực quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện… về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; tích cực truyên truyền kiến thức khoa học, pháp luật cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng…/.