Lạng Sơn phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,92%
Căn cứ Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025… UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo |
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo đảm bảo đạt trên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; tập trung nguồn lực hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 47-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Cụ thể, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 5,92% vào cuối năm 2023 (tương ứng giảm 3% so với năm 2022). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm từ 5% trở lên; tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới.
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách giảm nghèo, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo vào năm 2023, tỉnh Lạng Sơn cho biết sẽ tập trung vào các dự án, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin…
Tỉnh Lạng Sơn cũng thực hiện tốt các phong trào thi đua “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” |
Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn cũng thực hiện tốt các phong trào thi đua “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Khuyến khích các địa phương, đơn vị tích cực triển khai các phong trào thi đua “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”; trên cơ sở hướng dẫn khen thưởng của cấp có thẩm quyền, tổ chức tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác giảm nghèo; quan tâm khen thưởng đối với nông dân, người lao động trực tiếp, người nghèo, hộ dân nghèo có thành tích tiêu biểu vươn lên thoát nghèo và hỗ trợ các gia đình khác vươn lên thoát nghèo; các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, hỗ trợ tích cực trong công tác giảm nghèo.
Tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo. Các địa phương, đoàn thể vận động doanh nghiệp bảo trợ, nhận người nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định.
Tạo điều kiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với lao động nghèo có nhu cầu. Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tối thiểu là 344.961 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương 334.913 triệu đồng và vốn ngân sách địa phương là 10.048 triệu đồng. |