Lạng Sơn: Mục tiêu đến năm 2030 không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn
Đạt và vượt 7/8 mục tiêu đề ra
Theo tỉnh ủy Lạng Sơn, cùng với triển khai đầy đủ các chính sách của Trung ương, tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch và các chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ công tác giảm nghèo, giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám, chữa bệnh, học tập, vay vốn, đầu tư hạ tầng cơ sở.
Mô hình chăn nuôi khép kín tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân |
Đồng thời quan tâm dành một phần ngân sách để thực hiện các nội dung đối ứng vốn tín dụng, xây dựng hạ tầng cơ sở, thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù, bảo đảm sử dụng vốn huy động đúng mục đích, đối tượng, đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng an toàn khu, khu vực biên giới.
Nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân tham gia vào công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo đã có chuyển biến nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.
Kết quả, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 2/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, đạt và vượt 7/8 mục tiêu nghị quyết đề ra; tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm từ 25,95% xuống còn 7,88%, bình quân giảm 3,61%/năm.
Tuy nhiên, tỉnh ủy Lạng Sơn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh còn một số hạn chế, đó là: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất chưa hiệu quả, do đa số người nghèo còn thiếu kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, thiếu vốn và kinh nghiệm làm ăn.
Một số nơi giữ tập quán canh tác cũ, lạc hậu; các hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi nhỏ, lẻ, manh mún; sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi chưa tìm được đầu ra, chưa tạo được sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị nên hiệu quả thoát nghèo gắn với hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế bền vững cho người nghèo còn thấp. Việc xây dựng, áp dụng chuẩn nghèo, bình xét, công nhận hộ nghèo ở một số địa bàn còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng xác nhận hộ nghèo chưa thực sự chính xác, khách quan.
Nguyên nhân của những hạn chế trên do một số nơi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát việc thực hiện thoát nghèo; chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác giảm nghèo. Công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thường xuyên, hiệu quả.
Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; phương thức thực hiện chưa sát với điều kiện cụ thể của từng địa bàn. Một số cơ chế, chính sách đầu tư phát triển đã hướng vào trợ giúp các huyện nghèo, xã khó khăn nhưng chưa trọng tâm, trọng điểm, còn phân tán, dàn trải.
Một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo, chưa chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Công tác sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả còn hạn chế.
Mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững
Theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành mới đây đã đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo; tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực và các dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm trở lên (riêng các huyện nghèo giảm trên 5%/năm) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025; phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% hộ gia đình người có công với cách mạng thoát nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân khu vực nơi cư trú.
100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế và được hỗ trợ chăm sóc tại các cơ sở y tế.
Đồng thời, phấn đấu 100% trẻ em thuộc hộ nghèo từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi được đi học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi; 95% hộ nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi từ 16 - 30 tuổi được tham gia các khóa đào tạo hoặc được cấp chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng.
85% hộ nghèo sống trong ngôi nhà thuộc loại bền chắc và có diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 8m2 trở lên; 99% trở lên hộ nghèo được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; phấn đấu 50% hộ nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 98% trở lên hộ nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông và 100% hộ nghèo có phương tiện, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 01 huyện nghèo thoát nghèo. Đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử trong công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2025 góp phần giảm các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác giảm nghèo bền vững.