Trà Vinh, Vĩnh Long: Hai lần sáp nhập tỉnh, hai tên khác nhau Sáp nhập tỉnh: Thông tin về chính sách đặc thù đối với người dân Ông Đỗ Hữu Huy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận |
Từ thời mở cõi
Đất Bình Thuận nguyên thuộc nước Nhật Nam ngày xưa, sau là đất của Chiêm Thành. Vì chiến tranh liên miên nên Chiêm Thành mất dần đất đai.
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đánh chiếm đất Phan Lang (sau gọi là Phan Rang), và chỉ để lại mảnh đất phía Tây cho Chiêm Thành. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy luôn mảnh đất còn lại đặt tên là Thuận Phủ và năm 1694 đặt là Thuận Thành trấn.
Năm 1697, lập Bình Thuận phủ gồm 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Sau cải thành Bình Thuận dinh. Đời vua Gia Long vẫn giữ Bình Thuận dinh, đến vua Minh Mạng đổi lại Bình Thuận phủ.
![]() |
Nghị quyết tách tỉnh Bình Thuận được đăng tải trên Công báo số 5 ngày 15/3/1992. Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận |
Năm 1827, vua Minh Mạng đặt ra hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận và hai huyện Tuy Phong và Tuy Định. Bình Thuận được đặt thành tỉnh và giao cho quan Tuần phủ Thuận Khánh kiêm nhiệm luôn tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1883, Hòa ước được ký với Pháp (ngày 23/7) sáp nhập Bình Thuận vào Nam Kỳ. Một năm sau, Hòa ước Giáp Thân 1884 hay còn gọi là Hòa ước Patenôtre (ngày 6/6) lại đưa Bình Thuận về Trung Kỳ.
Đến năm 1888, vua Đồng Khánh chuyển phủ Ninh Thuận vào Khánh Hòa. Năm 1900, vua Thành Thái đặt huyện Tuy Lý và lấy huyện Tánh Linh (trước thuộc Đồng Nai Thượng) sáp nhập vào Bình Thuận.
Năm 1958, phủ Di Linh được nhập vào Bình Thuận. Giai đoạn 1955 - 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chia Bình Thuận làm 8 quận: Hàm Thuận, Phú Quý, Thiện Giáo, Hải Long, Hải Ninh, Hòa Đa, Tuy Phong và Phan Lý Chàm. Năm 1976, Bình Thuận sáp nhập với Bình Tuy và Ninh Thuận thành tỉnh Thuận Hải.
Từ năm 1992 đến nay
Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10 ngày 26/12/1991, tỉnh Bình Thuận được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh là tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận.
Tỉnh Bình Thuận có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: thị xã Phan Thiết (tỉnh lỵ) và 8 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và Phú Quý; 109 đơn vị hành chính cấp xã; có diện tích tự nhiên 7.892 km2, với số dân 812.547 người.
![]() |
Một góc TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh minh họa |
Ngày 25/8/1999, thành lập thành phố Phan Thiết trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Phan Thiết. Ngày 5/9/2005, thành lập thị xã La Gi trên cơ sở chia tách một phần diện tích và dân số từ huyện Hàm Tân. Thời điểm đó, tỉnh Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện.
Ở cấp xã, đã thành lập thêm mới 18 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Bình Thuận. Đến năm 2005, tỉnh Bình Thuận có 127 đơn vị hành chính cấp xã.
Ngày 21/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 820/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bình Thuận và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện sáp nhập 6 đơn vị hành chính để thành lập 3 đơn vị hành chính cấp xã, giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã từ 127 đơn vị còn 124 đơn vị.
Triển khai Nghị quyết số 1253/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2025, sau sắp xếp, tỉnh Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố); 121 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 93 xã, 16 phường và 12 thị trấn).
Tính đến hết năm 2024, dân số trung bình của tỉnh Bình Thuận là hơn 1,266 triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo là 1,54%. Thu nhập bình quân đầu người/tháng là 4,9 triệu đồng, tăng 8,39% so với năm trước. Khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng đạt 4,7 triệu đồng; trong khi đó, con số này ở khu vực thành thị là 5,7 triệu đồng.
Quy mô nền kinh tế Bình Thuận năm 2024 đạt 121.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2024 tăng 7,25%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 10,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 12%. Du lịch phát triển, toàn tỉnh đón gần 10 triệu lượt khách, doanh thu hoạt động du lịch 25.530 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, sản lượng lương thực ước đạt 873.084 tấn. |