Giữ vững vị thế “đầu tàu” kinh tế
TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học - công nghệ lớn nhất của Việt Nam, luôn giữ vững vai trò là động lực phát triển chính của cả nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự chuyển mình mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố liên tục khẳng định vị thế của mình không chỉ trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.
![]() |
Trong quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn của TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 457.600 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Là trái tim kinh tế của Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định vị thế dẫn đầu qua những con số ấn tượng. Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và khoảng 8,56% dân số cả nước, thành phố đóng góp tới 21,3% GDP, 29,38% tổng thu ngân sách,... Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò “đầu tàu” không thể thay thế của TP. Hồ Chí Minh trong nền kinh tế quốc dân.
Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn khó khăn lớn kể từ năm 2021, khi nền kinh tế địa phương suy thoái mạnh với mức giảm tăng trưởng âm 4,1% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo sắc bén của Trung ương, sự hỗ trợ từ các địa phương, cùng quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, TP. Hồ Chí Minh đã tái thiết nền kinh tế và đạt mức tăng trưởng 5,81% trong năm 2023, cùng với đà phục hồi ấn tượng đạt 7,2% trong năm 2024.
Sức bật mạnh mẽ nhất là từ đầu năm đến nay, trong quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 457.600 tỷ đồng, tăng trên 7,51% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.
Ngay từ năm 2022, trên cơ sở Nghị quyết 31-NQ/TU của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến, TP. Hồ Chí Minh đã vạch ra những hoạch định để vươn tới những mục tiêu chiến lược cao hơn.
Cụ thể, đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8,5% - 9% mỗi năm, với GRDP bình quân đầu người đạt từ 14.800 - 15.400 USD. Thành phố cũng đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 40% GRDP, qua đó thể hiện rõ khát vọng hiện đại hóa, sáng tạo và chuyển đổi số mạnh mẽ, giúp thành phố duy trì vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.
Đặc biệt, vào ngày 24/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh” với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trên cơ sở kế thừa Nghị quyết số 54, vừa mang tính mới, đột phá rất cao,... là động lực, giải pháp góp phần tháo gỡ những nút thắt, tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng hai con số mà Trung ương giao phó.
Tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình
TP. Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Với tầm nhìn dài hạn, thành phố không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà còn đẩy mạnh phát triển công nghệ số, tài chính số, logistics và hạ tầng đô thị hiện đại. Đặc biệt, việc xây dựng trung tâm tài chính số tại Thủ Thiêm hứa hẹn sẽ đưa TP. Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới trên bản đồ tài chính quốc tế.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. |
Một trong những dự án quan trọng nhất của TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Dự án này có diện tích 9,2 ha, gồm 11 lô đất, được quy hoạch trở thành trung tâm tài chính hiện đại, thu hút các tập đoàn trong và ngoài nước. Với định hướng trở thành “Phố Wall” của Việt Nam, Trung tâm tài chính Thủ Thiêm sẽ là nơi tập trung các dịch vụ tài chính - ngân hàng, công nghệ tài chính (Fintech), giao dịch chứng khoán và các hoạt động kinh doanh tầm cỡ khu vực. Đồng thời, thành phố cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để phát triển hạ tầng số, phủ sóng mạng 5G và lắp đặt cáp quang tốc độ cao trên toàn bộ khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận: “TP. Hồ Chí Minh cần mở rộng nhân tố mới để tạo đột phá và phát triển bền vững, như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế tri thức. Đây là những “chân trời mới”, nhất là khi thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp đang manh nha hình thành”.
Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ giúp TP. Hồ Chí Minh gia tăng sức hút với các nhà đầu tư, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu. Thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn vốn và công nghệ tiên tiến phục vụ cho sự phát triển của trung tâm tài chính này.
![]() |
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.. Ảnh: Portcoast |
Bên cạnh tài chính số, TP. Hồ Chí Minh cũng tập trung đầu tư phát triển logistics nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế. Trong năm 2025, sẽ khởi công dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hứa hẹn mở ra bước ngoặt kinh tế biển cũng như bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn “lá phổi xanh” của Việt Nam.
Dự án Cảng Cần Giờ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào hồi tháng 1/2025. Dự án sử dụng 571 ha đất, trong đó có gần 83 ha đất rừng được chuyển mục đích, tổng mức đầu tư trên 50.000 tỷ đồng. Dự án chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu hoàn thành năm 2027, hoàn tất toàn bộ cuối năm 2045. Theo tính toán của cơ quan chức năng, Cảng Cần Giờ khi được đầu tư hoàn chỉnh, đạt công suất thiết kế vào năm 2045 sẽ có nguồn thu 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài ra, theo kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng logistic, từ nay đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai xây dựng 8 trung tâm logistics, gồm: Cát Lái, Linh Trung, Long Bình, Cảng Cạn - Trung tâm logistics Khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức); Tân Kiên (huyện Bình Chánh); Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); Củ Chi (huyện Củ Chi); Tân Hiệp (huyện Hóc Môn).
Những trung tâm này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp và kết nối hiệu quả với hệ thống cảng biển, sân bay. Đây là một bước đi quan trọng giúp TP. Hồ Chí Minh giữ vững vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước và là trung tâm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.
Để hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng, TP. Hồ Chí Minh đang đổi mới cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng quan trọng. Một số dự án trọng điểm đang được kêu gọi đầu tư bao gồm hệ thống đường sắt đô thị dài 355 km, cảng biển quốc tế Cần Giờ và trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm. Các chuyên gia nhận định, nếu thu hút đủ nguồn vốn đầu tư, thành phố có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số vào năm 2025. Điều này sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh không chỉ phát triển vượt bậc về hạ tầng mà còn trở thành một đô thị đáng sống với chất lượng dịch vụ và tiện ích ngang tầm các thành phố lớn trên thế giới.
“TP. Hồ Chí Minh đang tràn đầy khát vọng vươn lên những tầm cao mới. Truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình chính là động lực để thành phố luôn hội tụ và tỏa sáng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên 4.0
Bước vào giai đoạn phát triển mới, TP. Hồ Chí Minh không chỉ đứng trước nhiều cơ hội mà còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong cách thức vận hành nền kinh tế, đòi hỏi thành phố phải nhanh chóng thích nghi với xu hướng chuyển đổi số. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng các công trình lớn, thể hiện khát vọng vươn lên. Ảnh: Dũng Phương |
Không chỉ áp lực từ chuyển đổi số, TP. Hồ Chí Minh còn phải cạnh tranh gay gắt với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực như Singapore, Bangkok và Kuala Lumpur. Các thành phố này đều có nền kinh tế phát triển mạnh, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và hạ tầng hiện đại.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đặt TP. Hồ Chí Minh trước những vấn đề nghiêm trọng về môi trường. Ô nhiễm không khí, nước thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt đang ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người dân. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hệ lụy như triều cường, sụt lún đất.
Trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức đan xen, TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, cũng như thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Đồng thời, thành phố cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, không chỉ giữ vững vai trò trung tâm chính trị - kinh tế mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với hàng loạt chiến lược phát triển mạnh mẽ, TP. Hồ Chí Minh đang khẳng định vai trò tiên phong trong kỷ nguyên số, vươn mình trở thành một đô thị hiện đại, sánh vai với các thành phố phát triển trên thế giới. TP Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam mà đang dần trở thành một “siêu đô thị” có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. |