Ông Thích Minh Tuệ - một người đang tự tu theo lối khổ hạnh nhiều năm qua, bỗng trở nên nổi tiếng một cách bất đắc dĩ bởi những người làm nội dung bẩn trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Facebook.
Và, từ hiện tượng Thích Minh Tuệ, một khái niệm không thể đúng hơn đã ra đời, được nhiều người nhắc đến khi nói về những người làm nội dung bẩn này, đó là những Facebooker “tặc”, Youtube “tặc” và Tiktoker “tặc”.
Sự xuất hiện của nhiều người mang theo lõi nồi cơm điện đi theo ông Minh Tuệ đã đặt ra không ít câu hỏi về động cơ, mục đích thực sự của những người này. (Ảnh: Cắt từ clip) |
Gọi là “tặc”, bởi hành trình tu tập của ông Thích Minh Tuệ vốn lặng lẽ và bình an, nay bị những đối tượng làm nội dung bẩn lợi dụng đẩy thành trend để câu view, câu like một cách bất chấp, ngay cả khi ông Thích Minh Tuệ ngủ, thậm chí là cả lúc đi tắm, đi vệ sinh.
Những hành vi này không chỉ làm phiền tới cuộc sống riêng tư là quyền tối thiểu được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của ông Thích Minh Tuệ; mà nó tạo ra dư luận xấu, tiềm ẩn nguy cơ mất tình hình an ninh trật tự, mất an toàn giao thông, khi mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm người đi theo, tìm đến chỉ để thỏa mãn sự tò mò về hiện tượng Thích Minh Tuệ.
Đáng chú ý hơn, ngoài những người hiếu kỳ tới xem, những ngày gần đây còn xuất hiện thêm rất nhiều người với cách ăn mặc na ná ông Thích Minh Tuệ, ôm theo ruột nồi cơm điện và những “đạo cụ” đi theo ông Tuệ đã đặt ra không ít câu hỏi về động cơ, mục đích thực sự cũng như danh tính của những người này.
Ông Thích Minh Tuệ cho biết, họ không phải đệ tử và đồ đạc ông tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ nhưng nếu ai muốn đi cùng thì ông không cản. Khi dừng chân nghỉ ngơi, ông trò chuyện với họ và vẫn nói rằng muốn đi thì đi, muốn về thì về, nhưng nhớ phải xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà.
Để tránh ồn ào và bủa vây bởi những người làm nội dung mạng xã hội, ông Thích Minh Tuệ đã chọn lối đi băng rừng để tiếp tục con đường tu tập. (Ảnh: Mạng xã hội) |
Như vậy đã rất rõ mối quan hệ giữa ông Thích Minh Tuệ và những người này. Tóm lại: Ông Thích Minh Tuệ không quen và cũng không biết họ là ai.
Vậy họ đi theo ông Thích Minh Tuệ để làm gì?
Đơn giản chỉ là để tu tập, lợi dụng hiện tượng này để mưu cầu sự nổi tiếng, để câu view, câu like, đẩy trend, hay vì động cơ, mục đích khác là điều rất cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh làm rõ để nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật nếu có.
Trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những mẫu quần áo thời trang giống với bộ đồ ông Tuệ mặc, có giá dao động từ 120 nghìn đồng đến 450 nghìn đồng/bộ. |
Trở lại với việc những Facebooker “tặc”, Youtube “tặc” và Tiktoker “tặc” câu view, câu like bất chấp đạo đức, pháp luật từ hiện tượng Thích Minh Tuệ. Trong nhiều video được chia sẻ, ông Thích Minh Tuệ trong trạng thái mệt mỏi vì thiếu ngủ, vì bị làm phiền với đám đông hiếu ký và đặc biệt là những Facebooker “tặc”, Youtube “tặc” và Tiktoker “tặc”.
Để tránh bị làm phiền, ông Thích Minh Tuệ đã chọn cách lội suối, băng rừng nhằm cắt đuôi những người làm nội dung bẩn và những người chưa rõ danh tính kia. Dù vậy, con đường tu tập của ông vẫn chưa hết những ồn ào, vẫn liên tục bị quấy nhiễu, làm phiền.
Còn động cơ, mục đích của những Facebooker “tặc”, Youtube “tặc” và Tiktoker “tặc” đã dần lộ rõ khi trên các nền tảng mạng xã hội này đã xuất hiện không ít Fanpage, kênh, nhóm chào bán những mẫu áo, váy thời trang giống với bộ đồ ông Tuệ mặc, có giá dao động từ 120 nghìn đồng đến 450 nghìn đồng/bộ.
Theo giáo lý nhà Phật, việc gây cản trở quá trình tu tập vì những dục vọng, lợi ích cá nhân của mình sẽ tạo nghiệp rất nặng. Nhìn từ góc độ đạo đức, pháp luật, thì việc lợi dụng hình ảnh, làm phiền cuộc sống riêng tư của ông Thích Minh Tuệ để câu view, câu like, tạo trend trục lợi bán hàng là phản cảm khó có thể chấp nhận. Hành vi này, cần được các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.