PGS.TS Nguyễn Thúy Oanh – Chuyên gia tiêu hóa tại BV ĐKQT Vinmec Central Park (TP.HCM) “bật mí” cho chúng ta những cách phòng loại vi khuẩn đang có trong dạ dày hơn 70% người trưởng thành ở Việt Nam hiện nay.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu đã nhiễm vi khuẩn này, mà được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời, bạn vẫn có thể tránh được bệnh ung thư dạ dày. Những chia sẻ này được bác sĩ Oanh trao đổi trong hội thảo “TẦM SOÁT HP ĐỂ TRÁNH UNG THƯ DẠ DÀY” tại Vinmec Central Park thứ 7 (ngày 1/7) vừa qua.
PGS.TS Nguyễn Thúy Oanh – Chuyên gia tiêu hóa tại BV ĐKQT Vinmec |
Vi khuẩn HP lây nhiễm qua những “con đường” nào, thưa bác sĩ?
Có 3 đường lây nhiễm chính:
Lây qua đường miệng-miệng: Vợ/ chồng của người đã nhiễm HP thường có nguy cơ lây nhiễm đến 90%. Do đó, khi một người đã nhiễm HP thì người kia cũng cần đi kiểm tra. Nếu cả 2 người đều nhiễm thì cũng điều trị cả 2 để tránh vi khuẩn đề kháng thuốc.
Lây qua đường phân - miệng: Sự tái nhiễm và lây lan HP trong cộng đồng còn qua sinh hoạt ăn uống, thói quen chung đụng trong gia đình và cộng đồng.
Lây qua đường dạ dày - miệng: Vệ sinh tiệt khuẩn các thiết bị y tế như ống soi, dụng cụ nha khoa, dụng cụ tai mũi họng.... là điều quan trọng, tối cần thiết để ngăn ngừa lây lan HP.
Trong các cách lây nhiễm này, lây qua đường miệng – miệng được coi là nguyên nhân lây nhiễm HP phổ biến nhất.
Như vậy, thói quen ăn uống chấm chung bát mắm, chung canh, chung thức ăn và "gắp thức ăn cho nhau" cũng làm lây nhiễm vi khuẩn HP phải không ạ?
Đúng như vậy. Để tránh đường lây nhiễm chính là miệng-miệng (cụ thể là nước bọt, dịch tiết đường tiêu hóa), chúng ta nên tránh thói quen chung bát chấm, gắp thức ăn cho nhau, không nhai mớm cơm, thổi canh cho con trẻ.
Khi bị nhiễm HP thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở mức độ nào?
Trong những trường hợp mắc bệnh ung thư dạ dày, có trên 70% bệnh nhân có HP (+). Còn trong bệnh lý viêm dạ dày dạng nốt phát hiện qua hình ảnh nội soi thì 100% có vi khuẩn HP (+).
Vậy ngoài việc thay đổi thói quen như trên bác sĩ đã nói, chúng ta còn cần chú ý những gì nữa để có thể dự phòng lây nhiễm, loại trừ vi khuẩn HP, thưa bác sĩ?
Chế độ ăn uống hợp vệ sinh, đúng giờ. Hạn chế rượu bia, thức ăn chua, chất gia vị kích thích như ớt tiêu. Không ăn no ngay trước khi đi ngủ. Tránh stress, lo âu.
Không dùng kháng sinh tùy tiện, nhất là khi chưa có bằng chứng bạn nhiễm HP hay khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Cần tuân thủ phác đồ điều trị: Đúng thuốc, đúng liều, đúng cách sử dụng và đúng thời hạn.
Thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi có khó chịu về đường tiêu hóa để có chỉ định tầm soát HP sớm nhất khi cần thiết. Nhất là kiểm tra định kỳ ở người trên 40 tuổi, cả nam lẫn nữ.
Thưa bác sĩ, nếu đã nhiễm HP, được điều trị đúng phác đồ mà bị tái nhiễm lại thì cần làm gì để tránh nguy cơ ung thư?
Nếu tái nhiễm lại lần hai, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ điều trị theo phác đồ kháng thuốc lần hai. Nếu sau đó kiểm tra lại mà vẫn còn HP (+) thì bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn làm kỹ thuật sinh học phân tử, tìm chủng gen HP và làm kháng sinh đồ để có thể điều trị với kháng sinh nhạy nhất.