Làm chủ mạng xã hội
Cần thận trọng, chuẩn mực
Không thể phủ nhận mạng xã hộigiúp các phóng viên, nhà báo có nguồn tin nhanh, bên cạnh đó cũng là kênh hiệu quả để quảng bá một số bài báo, đưa thông tin đến gần hơn với công chúng. Nhưng, trên thực tế ranh giới thông tin của cá nhân với một nhà báo, một cơ quan báo chí đôi khi không rõ ràng.
Hiện tượng một số phóng viên, nhà báo phát ngôn, bình luận trên mạng xã hội trái với tinh thần, quan điểm của chính họ trong những bài đã viết trên báo đã xảy ra. Thậm chí, khi phóng viên, nhà báo tham gia các cuộc tranh cãi với cộng đồng mạng có thể vô tình gây tổn hại cho cơ quan báo chí bởi cộng đồng mạng đồng nhất quan điểm cá nhân, thái độ của nhà báo ấy với quan điểm, thái độ của cơ quan báo chí.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An - cho biết: Để làm tròn trách nhiệm xã hộivà nghĩa vụ công dân, mỗi nhà báo khi nói ra điều gì cần cân nhắc thật kỹ. Tư cách công dân và tư cách nhà báo không thể tách rời nhau. Nhà báo đưa thông tin, bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội phải thận trọng, nghiêm túc, chuẩn mực giống như quá trình tác nghiệp báo chí hay viết một tác phẩm báo chí. Bởi lẽ, có những vấn đề pháp luật không cấm nhưng đạo đức nghề báo thì không cho phép.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội phát triển và không hạn chế quyền tham gia của bất cứ thành viên nào. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội phụ thuộc nhiều vào trình độ, nhận thức và mục đích của người sử dụng. Và, phần lớn những người làm báo hiện nay đều sử dụng ít nhất một tài khoản mạng xã hội , vừa để tiếp nhận thông tin, vừa là kênh tương tác quan trọng. Thực tế cho thấy, tài khoản mạng xã hội của nhiều người làm báo thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng xã hội bởi sự tin cậy của thông tin đăng tải.
Thế nhưng, cũng không ít những góc khuất, mặt trái tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu các phóng viên, nhà báo sử dụng thông tin không chuẩn mực, khách quan. Nhà báo khác những cá nhân bình thường do họ có nguồn thông tin phong phú từ cơ quan báo chí của mình, từ hoạt động báo chí của bản thân và do họ có tên tuổi, có "nghề". Họ được cư dân mạng thích kết nối, theo dõi. Và nguy cơ, rủi ro dành cho họ thường xuất phát từ tính chất đặc biệt này.
"Con dao" hai lưỡi
Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Viết Lam - thường trú Báo Biên phòng tại Nghệ An – bày tỏ: Nhà báo cần phải làm chủ không gian mạng, sử dụng MXH một cách đúng mực, thông minh và vì mục đích trong sáng. Cùng với đó, nhà báo cũng cần có thái đội, trách nhiệm "nắn dòng" thông tin sai lệch trên mạng xã hội để người đọc có được thông tin lành mạnh. Muốn làm chủ được mạng xã hội , đòi hỏi nhà báo phải kiểm chứng thông tin chính xác trước khi đăng tải, đồng thời không ngừng rèn luyện cả về bản lĩnh, nghiệp vụ và đạo đức trong quá trình hành nghề…
Nhiều chủ tài khoản là "tích xanh" trên Facebook cho hay, ở các nước phát triển, mạng xã hội phát huy được tính năng bổ ích nhiều hơn tính năng tiêu cực. Ở Việt Nam, mạng xã hội giống như "con dao" hai lưỡi đối với người dùng. Hầu hết người dùng mạng xã hội Việt Nam đã gần như "đốt cháy giai đoạn" - một giai đoạn hết sức cần thiết cho người dùng là văn minh ứng xử trên mạng xã hội .
Đồng ý rằng, nhà báo cũng là công dân. Họ có quyền tự do phát ngôn trên trang cá nhân. Thế nhưng, họ cần hiểu rằng, với nhà báo, tư cách công dân và tư cách nhà báo không tách rời nhau, tức là trách nhiệm công dân và trách nhiệm nhà báo có mối liên kết chặt chẽ. Họ không phải là một cư dân mạng bình thường mà còn phải gánh thêm trách nhiệm nghề nghiệp và cao hơn nữa là trách nhiệm xã hội.n