Mấy tuần nay trên các ứng dụng Facebook, Zalo bỗng nhiên xuất hiện các tài khoản đứng tên các chuyên gia kinh tế có uy tín như TS Trần Đình Thiên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia đầu tư Nguyễn Trí Hiếu. Những tài khoản này kêu gọi giới đầu tư tham gia hội nhóm đứng tên các chuyên gia này để có thể “chốt lời” trên những cổ phiếu mà các tài khoản này thông báo lợi nhuận ở mức khủng.
Không những vậy, các tài khoản này còn cho rằng chỉ có họ mới có thể dự báo được những cổ phiếu có khả năng “ăn hàng”, “hút hàng” mà các nhà đầu tư muốn có thì phải tham gia hội nhóm, tham gia những link được nhóm này giới thiệu. Việc tham gia những hội nhóm “đầu tư” cổ phiếu này cũng lại đặc biệt ở chỗ là miễn phí mà không đòi hỏi người tham gia phải đóng góp một khoản nào. Lại còn có cả việc người tham gia các hội nhóm này có cơ hội được nâng cao kiến thức đầu tư tài chính (!)
Các tài khoản mạng xã hội mạo danh các chuyên gia kinh tế |
Giọng điệu mời chào của các tài khoản này đọc qua thì có vẻ rất lịch sự, rất chuyên nghiệp nhưng đọc kỹ sẽ dễ dàng nhận ra khẩu khí chẳng khác gì chuyện “chốt” “con” này, “con” nọ ở quán nước của các “giáo sư” lô đề.
Trong trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - người được cho là “đứng tên” trong các tài khoản mạng xã hội để kêu gọi tham gia các hội nhóm “nắm bắt” các cổ phiếu hot trên thị trường - bày tỏ sự bức xúc trước việc bị các đối tượng mạo danh, thậm chí là dùng cả hình ảnh của ông theo kiểu “cáo mượn oai hùm” để làm các việc xấu xa mà có thể gọi đích danh là lừa đảo.
Việc mạo danh trắng trợn đến mức tên tài khoản là chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhưng ảnh lại là... chuyên gia Cấn Văn Lực |
TS Trần Đình Thiên cho rằng, những nhà đầu tư đang khao khát nâng cao, cập nhật kiến thức cùng việc nhanh chóng xuống tiền để chốt lời các cổ phiếu được “gợi ý” cần hết sức cẩn trọng khi tham gia các hội nhóm kiểu trên và càng cẩn thận hơn khi xuống tiền. Bởi nhẹ thì thông tin cá nhân có thể lộ lọt, bị đánh cắp, nặng còn khó lường hơn.
Ông Thiên đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ chân tướng các kẻ mạo danh chuyên gia kinh tế để mưu cầu các việc xấu cũng như để bảo đảm hình ảnh, danh dự, uy tín của các chuyên gia kinh tế cũng như ngăn chặn các hành vi lừa đảo có thể xảy ra.
Cách đây không lâu, trong thông báo các hình thức lừa đảo trên mạng, các cơ quan chức năng đã nhấn mạnh việc kêu gọi đầu tư tài chính, cổ phiếu, tiền ảo là một trong những hình thức được các đối tượng lừa đảo đặc biệt ưa thích.
Người dân cần tỉnh táo để không mắc bẫy các đối tượng lừa đảo tài chính. |
Đối tượng lập website đầu tư tài chính, ứng dụng có giao diện tương tự đầu tư tài chính quốc tế, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia. Các sàn tiền ảo, đầu tư tài chính này cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian.
Ban đầu, các đối tượng chuyển trả tiền lãi rất đầy đủ, rõ ràng (nhưng cũng chỉ là tiền ảo), đến khi người tham gia đầu tư nhiều thì các đối tượng ngưng giao dịch, bằng các phương thức như: Thông báo dừng hoạt động để bảo trì lỗi; chặn liên lạc và chặn đăng nhập làm khách hàng không vào tài khoản của mình được, rồi các đối tượng chiếm đoạt tiền mà khách hàng đã gửi hay đầu tư vào trang website do chúng lập ra.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ lừa đảo tài chính qua mạng, trong đó có nhiều vụ chỉ đến khi được đưa ra ánh sáng, dư luận không khỏi rúng động về quy mô, tính chất của hành vi lừa đảo cùng mức độ tráo trở đến tận cùng của các đối tượng, ẩn dưới cái ngoại hình "hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng".
Mới đây nhất, Công an TP. Hà Nội phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán do Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (tức Mr. Hunter) cầm đầu, qua đó thu giữ tổng tài sản lên tới hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo hồ sơ của cơ quan công an, từ năm 2019 đến nay các đối tượng đã núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực tele maketing (tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua điện thoại), tele sale (tư vấn, bán hàng qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán (đầu tư vào các mã chứng khoán của các thương hiệu, các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động trên sàn chứng khoán quốc tế, với những mã cổ phiếu như: Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft, Adidas), để dụ dỗ, lôi kéo các khách hàng tham gia.
Hay như mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã tuyên án vụ nhóm 12 người lập nhiều tài khoản mạng xã hội, kết bạn, làm quen và dụ dỗ 9 nạn nhân tham gia các sàn thương mại điện tử giả mạo với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng.
Lời khuyên của các cơ quan chức năng ở đây vẫn là khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác, chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín đã được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, đặc biệt là không gian mạng.
Cùng đó, các nhà đầu tư cần tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng; tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư hay “xuống tiền” để mong nhanh “chốt” được lời lãi.
Đồng thời, những ai có ý định tham gia các kênh đầu tư cần tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư; nếu cảm thấy không tự tin, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn.
Có một lời cảnh báo ngắn gọn nhưng sâu sắc mà những ai đang tham gia trận địa đầu tư tài chính cần ghi lòng: “Miếng pho mát miễn phí chỉ có trên chiếc bẫy chuột”.