Thứ tư 02/04/2025 23:33

Lãi suất, nợ xấu tác động lên kế hoạch lợi nhuận ngân hàng 2025

Lãi suất và nợ xấu là hai yếu tố tác động lớn đến kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng năm 2025.

Tập trung vào bán lẻ và tín dụng xanh

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng đang diễn ra sôi động, với hàng loạt ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2025. Trong đó, ba nhà băng: Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) tổ chức đại hội gần đây nhất đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đầy tham vọng, dựa trên ba chiến lược chính: Tăng trưởng bán lẻ, xử lý nợ xấu và đẩy mạnh tín dụng xanh.

Theo đó, VIB dự kiến đạt 11.020 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 22% so với năm trước, nhờ vào đà tăng trưởng mạnh của mảng bán lẻ, đặc biệt là cho vay mua nhà và ô tô. Trong khi đó, NCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại đạt 59 tỷ đồng, tập trung vào cải thiện chất lượng tài sản và giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Nam A Bank hướng đến 5.000 tỷ đồng, với trọng tâm là /chu-de/tin-dung-xanh.topic và huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Theo ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB, việc duy trì tỷ trọng bán lẻ ở mức trên 90% tổng dư nợ giúp ngân hàng có biên lãi ròng (NIM) ổn định ở 4,5%, cao hơn mức trung bình ngành. Ông cũng nhấn mạnh: “Sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số giúp VIB tối ưu hóa quy trình tín dụng và nâng cao trải nghiệm khách hàng”.

Kế hoạch kinh doanh của VIB. Ảnh chụp màn

Nam A Bank lại có hướng đi riêng khi tập trung vào tín dụng xanh. Theo ông Trần Ngọc Tâm - Tổng giám đốc Nam A Bank: “Chúng tôi đặt trọng tâm vào phát triển bền vững, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để huy động nguồn vốn giá rẻ phục vụ các dự án tín dụng xanh”.

Theo đó, ngân hàng đã ký kết hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tài chính Khí hậu Xanh (GCF) để triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính xanh. Trong năm 2024, ngân hàng đã giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng vào các dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp sạch.

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Trong khi đó, ông Tạ Kiều Hưng - Tổng giám đốc NCB - cho biết, ngân hàng đặt trọng tâm vào việc tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính. Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 135.500 tỷ đồng, huy động vốn đạt 118.500 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14,6% và 23,2% so với thực hiện 2024; cho vay khách hàng tăng trưởng 30% lên 92.528 tỷ đồng. Đặc biệt, NCB sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, nâng vốn điều lệ lên 19.280 tỷ đồng.

Việc tăng vốn là cần thiết để NCB cải thiện năng lực tài chính, song đi kèm với đó là áp lực lớn về hiệu quả sử dụng vốn và gia tăng lợi nhuận. Dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc mở rộng quy mô khách hàng và phát triển ngân hàng số, NCB vẫn cần chứng minh khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững, đặc biệt khi lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại của ngân hàng trong năm 2025 chỉ đặt mục tiêu đạt 59 tỷ đồng.

NCB đặt trọng tâm vào việc tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính. Ảnh: Duy Minh

Bên cạnh đó, NCB đang triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, bao gồm tăng cường thu hồi nợ và tái cơ cấu danh mục cho vay. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm từ 4,2% xuống 3,1% trong năm 2024, và kỳ vọng tiếp tục giảm trong năm nay. “Chúng tôi không chạy theo tăng trưởng nóng mà đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững, đảm bảo an toàn hệ thống” - ông Hưng nhấn mạnh.

Dù các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng bối cảnh kinh tế năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức. Lãi suất có xu hướng duy trì ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí vốn của doanh nghiệp và khả năng mở rộng tín dụng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải đối mặt với sức ép từ nợ xấu, đặc biệt là từ nhóm khách hàng doanh nghiệp bất động sản…

Nhìn chung, dù vẫn còn nhiều biến số ảnh hưởng đến triển vọng ngành ngân hàng, nhưng với kế hoạch bài bản, VIB, NCB và Nam A Bank đang cho thấy sự chủ động thích ứng với thị trường, sẵn sàng đón nhận cơ hội để bứt phá trong năm 2025.

Các chuyên gia tài chính nhận định rằng, năm 2025 sẽ là năm phân hóa mạnh giữa các ngân hàng. Những ngân hàng có chiến lược rõ ràng, kiểm soát rủi ro tốt và tận dụng được công nghệ số sẽ có lợi thế vượt trội.

Thuỳ Linh
Bài viết cùng chủ đề: lãi suất ngân hàng

Tin cùng chuyên mục

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

Home Credit Việt Nam công bố kết quả kinh doanh năm 2024

Danh Khôi nói gì về nguyên nhân lỗ 137 tỷ năm 2024?

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024 vượt mốc 2.000 tỷ đồng

10 bảo hiểm xã hội khu vực hoạt động từ 1/4

Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) và MED Group hợp tác toàn diện, tối đa hóa lợi ích cho khách hàng

Meey Group hợp tác với tư vấn IPO và tài chính ARC

Tăng tốc cùng doanh nghiệp SME: The Asian Banker vinh danh HDBank

Một lần đăng ký tiền sinh tiền- Tạo lợi nhuận không ngừng

BAOVIET Bank: Tiếp tục chuyển đổi số, phát huy thế mạnh của hệ sinh thái Bảo Việt

Nợ xấu cản đường vay vốn

Traphaco dẹp bỏ chi nhánh cấp hai, chuyển mình theo công nghệ

VietinBank điều chỉnh thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025

Tập đoàn Prudential công bố báo cáo tài chính thường niên năm 2024: Từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược 2027

Cải cách thể chế: Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Kế hoạch kinh doanh 'trên mây', DIC Corp lại đặt... cho vui?

Không để lỡ mất thời cơ xây dựng trung tâm tài chính

Đưa dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp

Nhận lương qua VietinBank, nhận ngay ưu đãi tài chính đặc biệt

Việt Nam trong cuộc đua huy động vốn xanh và bền vững